Kỳ Thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021: Đề thi chính thức sẽ được rà soát với nội dung tinh giản

Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đề thi giảm dần về độ khó để phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn có sự phân loại thí sinh. Trong khi đó, nhiều trường đại học đã có phương án thi riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sẽ công bố đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, về bài thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH).

Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Điểm đáng chú ý đó là kỳ thi năm nay sẽ tính điểm tổng điểm của bài thi tổ hợp, chứ không tính điểm riêng từng bài thành phần như các năm trước.

Chia sẻ thông tin về kỳ thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ chuẩn bị công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, do có thay đổi về phương án thi, chiều 22/4, Thủ tướng đã đồng ý với phương án đề xuất của Bộ GD&ĐT, với kỳ thi tập trung vào xét tốt nghiệp THPT.

Tại đề thi tham khảo lần này, tỷ lệ các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao sẽ được điều tiết giảm. Phần lớn nội dung đề thi sẽ bám sát kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu tập trung ở lớp 12.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đề thi chính thức sẽ được rà soát với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố; không đánh đố học sinh; phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa hợp lý để vừa đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, vừa có thể phân loại được mức độ đáp ứng chuẩn của các thí sinh khác nhau, nghĩa là phân loại được các nhóm học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu, kém.

Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT với quy trình rút gọn sẽ được ban hành sớm để phù hợp với thời gian tổ chức Kỳ thi. Ngay sau đó, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức Kỳ thi đến các địa phương.

ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-hoc-2020-2021-de-thi-chinh-thuc-se-duoc-ra-soat-voi-noi-dung-tinh-gian

Năm 2020, do tính chất của kỳ thi được “giảm tải” nhiều trường đại học dự kiến tổ chức tuyển sinh riêng để đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa: Q.Anh

Một số trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào giữa tháng 8, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT thay vì thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học đã đưa ra nhiều cách thức tuyển sinh mới để phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, do ổn định tuyển sinh và thời gian tuyển sinh của năm nay do rút ngắn so với các năm trước, nhiều trường tiếp tục sử dụng điểm của kỳ thi THPT.

Cụ thể, Trường ĐH kinh tế Quốc dân, ĐH Hàng hải thông báo, sẽ xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 70%, 30% chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo các phương thức học bạ, xét tuyển thẳng...

Theo thông báo của Học viện Tài chính, năm nay trường tuyển tổng chỉ tiêu là 4.200 sinh viên; trong đó xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT, xét tuyển kết hợp Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020 ít nhất 50%, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2020 và phương thức khác.

Ngưỡng điểm xét tuyển của thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT năm 2020 vào từng ngành có tổng điểm 3 môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp xét tuyển là từ 17 điểm trở lên đối với chương trình chuẩn và từ 18 điểm trở lên đối với chương trình chất lượng cao theo từng mã xét tuyển.

Trong khi các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số trường đã có phương án tuyển sinh riêng.

Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đã công bố 3 phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, sẽ thực hiện 3 phương án tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực; xét tuyển hồ sơ thí sinh (dựa trên học bạ và kết quả của kỳ thi THPT). Kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến tổ chức vào khoảng cuối tháng 7/2020.

Tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin, đã điều chỉnh lịch thi kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến vào cuối tháng 6 (đợt 1) và cuối tháng 8 (đợt 2).

Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức thi đánh giá năng lực tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm 30 - 50% tổng chỉ tiêu, tăng hơn đáng kể so với năm 2019. Đã có nhiều trường ngoài các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2020.

Bộ GD&ĐT cho biết, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Bộ tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.

Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019 sẽ đảm bảo quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.

Theo GiaDinh