Lại giải cứu thanh long

Với mức giá xuống tận đáy chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí đổ bỏ vì không có đầu ra, nhiều siêu thị, doanh nghiệp… đã bắt đầu tham gia vào chiến dịch “giải cứu” thanh long.

Mấy ngày gần đây, nông dân Bình Thuận và nhiều vùng khác trên cả nước đang điêu đứng vì thanh long rớt giá thê thảm xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg.

Thanh long chín đỏ tại vườn, nông dân phải tạm thời neo lại trên cây mong thêm thời gian nhưng vẫn không có thương lái đến xem. Không thể chờ đợi, nhiều hộ đã thu hoạch và ngậm ngùi đổ đống bỏ luôn tại vườn.

Siêu thị bắt đầu 'giải cứu'

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận có hơn 27.000 ha thanh long, trong đó, tập trung nhiều nhất tại hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Thanh long rớt giá, sản lượng cung cấp vượt nhu cầu thị trường xuất khẩu khiến loại trái cây này không tìm được đầu ra.

Để giúp nông dân, một số siêu thị lớn đã bắt đầu chiến dịch “giải cứu”, lên tiếng mua lại thanh long và phân phối trong hệ thống của mình.

Lại giải cứu thanh long

Thanh long Bình Thuận đổ về TP.HCM với giá 10.000 đồng cho 3 kg.

Đại diện Lotte Mart cho hay từ hôm nay đến hết ngày 14/10, hệ thống này sẽ hỗ trợ mua 5-7 tấn thanh long của nông dân tại Bình Thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tăng cường thu mua thêm thanh long nếu sức tiêu thụ của người dùng tăng tại các siêu thị trong hệ thống.

“Lotte Mart thu mua tại vườn với mức giá cao hơn gấp 3-4 lần so với giá thương lái, cụ thể là từ 5.000-7.000 đồng/kg với thanh long từ 450 g trở lên, trái sạch không đốm da”, ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng Truyền thông và Thương hiệu Lotte Mart Việt Nam, nói.

Số thanh long giải cứu sẽ được bán với giá không lợi nhuận là 5.900 đồng/kg tại Nha Trang và Phan Thiết. Các trung tâm còn lại trên cả nước sẽ là 8.500 đồng/kg.

Doanh nghiệp này cũng đứng ra kêu gọi người tiêu dùng, nhân viên và các đối tác kinh doanh cùng ủng hộ thanh long được thu hoạch trong mùa vụ này nhằm đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ, giúp đỡ bà con nông dân sớm lấy lại vốn, ổn định canh tác.

Tương tự, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng có kế hoạch sẽ “giải cứu” thanh long đang bị ứ hàng tại Bình Thuận và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Từng làm giàu với giá bán thanh long tại vườn lên đến 25.000 đồng/kg, hiện nhiều gia đình tại Bình Thuận đang đứng ngồi không yên vì không thể tìm được đầu ra.

Nhiều người cho hay với mức giá các doanh nghiệp đứng ra thu mua hiện tại sẽ giúp đỡ họ rất nhiều. Dù không có lời nhưng vẫn có thể phần nào hoàn lại vốn và không phải tự tay đổ bỏ hàng nghìn ha thanh long đang chín đỏ.

'Giải cứu' từ vỉa hè đến chợ mạng

Ngoài các siêu thị lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, các nhóm bạn trẻ cũng xắn tay vào chiến dịch "giải cứu" thanh long.

Ngay khi biết được thông tin thanh long tại Bình Thuận rớt giá, Hoàng Châu (quận 1, TP.HCM) và nhóm bạn gần chục người đã bắt xe lên đây tìm hiểu thông tin và quyết định “giải cứu”.

“Sau hai đợt đến tại vườn của nông dân Bình Thuận, nhóm chúng tôi đã mang về thành phố và giải cứu thành công 3 tấn thanh long. Con số này rất ít so với tổng sản lượng thanh long của toàn tỉnh nhưng chúng tôi hy vọng sẽ giúp được cho họ phần nào”, Châu nói.

Lại giải cứu thanh long

Sau 2 chuyến lên tận nhà vườn Bình Thuận, nhóm bạn trẻ tại TP.HCM đã giải cứu thành công 3 tấn thanh long. Ảnh: H.C.

Đại diện nhóm cho hay tại Bình Thuận, nông dân đang rất khó khăn vì thanh long đầy vườn mà không có thương lái mua, giá cũng chỉ còn chưa đến 1.000 đồng.

Nhóm đã mua lại với giá 3.000 đồng và mang về thành phố giải cứu với giá 5.000 đồng/kg. Vì bán chạy và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, nhóm đã quyết định quay lại để giải cứu thêm một đợt thanh long nữa.

Châu cho biết hành động này hoàn toàn để giúp nông dân Bình Thuận vớt vát chi phí trồng trọt, canh tác bởi sau khi thuê xe tải mang về thành phố, các bạn còn bị lỗ vốn.

Tương tự, trên mạng xã hội, nhiều chiến dịch mang tên giải cứu thanh long đã trở nên rầm rộ mấy ngày nay.

Những người trực tiếp tham gia giải cứu cho hay, thanh long này được lấy tại vườn ở Bình Thuận và một số địa phương khác như Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu với giá rất ưu đãi từ 5.000 đồng/kg loại dùng xuất khẩu và 10.000 đồng/3 kg với các loại còn lại.

Trên một số tuyến đường tại TP.HCM như Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu… nhiều chiếc xe tải lớn chở thanh long đi “giải cứu” đã có mặt. Theo khảo sát, mức giá của thanh long được giải cứu không quá cao, trung bình khoảng hơn 5.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, giá thanh long cũng chỉ giảm nhẹ so với ngày thường. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá thanh long loại ngon nhất khoảng 20.000 đồng/kg, loại dạt cũng đã 12.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn nhiều so với thanh long giải cứu.

Một tiểu thương ở đây giải thích họ phải tốn phí chuyên chở và chọn lựa thanh long tại vườn trước khi mang về thành phố nên mức giá bán không thể rẻ như cho được.

Thanh long 'dội chợ' do cung vượt quá cầu

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ thanh long tươi lớn nhất Việt Nam. Nguyên nhân thanh long thời điểm này bị “dội chợ” là do sản lượng cung cấp đã vượt quá nhu cầu thị trường.

Lại giải cứu thanh long

Nông dân Bình Thuận đang khóc ròng vì thanh long rớt giá còn 1.000-2.000 đồng/kg nhưng không có đầu ra.

Một số thương lái thu mua thanh long tại Bình Thuận để xuất khẩu cho hay do điều kiện thời tiết thuận lợi, mùa vụ này thanh long đồng loạt chín rộ tại nhiều nơi. Trong khi đó, theo thường lệ, các địa phương trong tỉnh sẽ thay phiên thu hoạch thanh long nên không bị ùn ứ đầu ra.

“Thêm vào đó, nhiều hộ chong đèn để thúc thanh long trái vụ tăng trưởng, chín sớm trùng với mùa thu hoạch chính vụ nên sản lượng lại càng nhiều. Tôi đã tạm ngưng thu mua, sau khi giải quyết hết hàng tồn mới tiếp tục nhận lại. Đây là mùa vụ mà cả nông dân và thương lái đều chịu lỗ”, anh S., chủ một cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc cho hay.

Hiện không chỉ là thị trường lớn của thanh long Việt Nam, Trung Quốc còn là nơi tiêu thụ rất mạnh nông sản trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường này ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe, nhất là với hình thức nhập khẩu theo con đường biên mậu.

Ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu củ quả DAA Việt Nam, cho rằng cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nước để hướng tới các thị trường quốc tế.

Theo ông Lãm, chuỗi cung ứng này quản lý chặt chẽ quy trình đầu vào sản phẩm, xử lý đóng gói với các đối tượng chính là nông dân, hợp tác xã, công ty và đầu ra ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay siêu thị.

Đặc biệt, phải ứng dụng kỹ thuật số và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc, các chỉ số đánh giá chất lượng cho nông sản, trong đó có thanh long. Hiện truy xuất nguồn gốc là tiêu chí quan trọng thị trường quốc tế yêu cầu với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Theo Zing