Luật sư kể chuyện những "con thiêu thân" lao vào đa cấp

Những câu chuyện buồn về kinh doanh đa cấp đã được luật sư Đặng Văn Cường trải lòng trong tâm trạng vô cùng trăn trở.  Anh cũng đồng quan điểm với nhiều người là cơ quan hữu quan cần vào cuộc quyết liệt nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công dân.

Chuyện buồn sinh viên bị ép trả nợ, phải bỏ học vì đa cấp

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Phát, cho biết, có thể nói rằng, ở nước ta hiện nay, kinh doanh đa cấp đã trở thành một "trào lưu" mới đã được nhiều người tham gia. Đối tượng tham gia hình thức kinh doanh này chủ yếu là những người thất nghiệp, không kiếm được việc làm, học sinh, sinh viên, người già và những nông dân ở các vùng quê.

Theo sự "quảng cáo" của những "người đi trước" trong lĩnh vực này thì kinh doanh đa cấp là một hoạt động kiếm tiền dễ dàng nhất trong các loại hình kinh doanh, không cần kiến thức chuyên môn, không cần nhiều vốn, không cần trình độ văn hóa cao... chỉ cần "lôi kéo" được thật nhiều người tham gia thì sẽ có lợi nhuận...

Luật sư kể chuyện những

Phản ánh dài kỳ của VTV về công ty đa cấp Liên Kết Việt khiến dư luận xôn xao. Ảnh: VTV

Chính vì vậy, những người đang ôm mộng kinh doanh, không hiểu biết sâu về những kiến thức tài chính, kinh tế đã lao vào hình thức kinh doanh này như những con thiêu thân, kéo theo là bạn bè, gia đình nhiều tài sản cũng cuốn theo... thực tế đã mang lại nhiều hệ lụy đau lòng...

Cũng theo luật sự Cường, có nhiều trường hợp gọi điện cho luật sư nhờ tư vấn về việc đã ký hợp đồng với công ty kinh doanh đa cấp nhưng không nhận được hàng, không nhận được hợp đồng... chỉ có một thủ tục là mang chứng minh thư đến hiệu cầm đồ để ký giấy vay tiền lãi ngày và ký vào các giấy tờ, hợp đồng theo yêu cầu của nhân viên công ty.

Sau đó các em sinh viên này bị ép trả nợ với nhiều hình thức, có em phải bỏ học, bị đẩy vào các tệ nạn xã hội. Có những trường hợp biết mình bị "lừa" rồi nhưng cố tình giới thiệu bạn bè, người thân tham gia để "gỡ lại" vốn của mình... dẫn đến hậu quả mâu thuẫn, thù hận lẫn nhau.

Anh Cường kể, từng nhận được một email của một bậc cha mẹ về đứa con vô tình bị rủ rê vào đa cấp. Theo đó, con chị bị bạn rủ rê mua sản phẩm của một công ty có trụ sở tại Hoàng Quốc Việt. Khi em không có tiền thì được cộng tác viên của công ty dẫn đến một công ty tài chính, và cháu đã cầm lại CMND và thẻ sinh viên để được vay 9 triệu đồng với lãi suất 4.000 đ/ngày/1 triệu. Khi không có tiền trả lãi, cháu phải đi vay mượn bạn bè.

Một trường hợp khác mà nạn nhân cũng là 1 sinh viên. Cũng vẫn công ty nêu trên, bạn sinh viên đi cắm CMND để vay số tiền 8,5 triệu đồng để tham gia vào mạng lưới bằng việc được nhận là cộng tác viên chính thức. Sau đó khi muốn rút khỏi mạng lưới, bạn đã rất khó khăn khi đòi lại tiền, hủy hợp đồng và rốt cuộc phải cầu cứu đến luật sư.

Chuyện các em sinh viên muốn kiếm tiền nhanh thì “đã đành một nhẽ”. Theo anh Cường, khổ nhất là những người già bị đánh vào tâm lý bán thực phẩm chức năng, các loại máy mát xa, giường chữa bách bệnh, gối chữa bách bệnh... và những bác nông dân chân lấm tay bùn phải bán cả ruộng đất để được đi "hội thảo", ăn tiệc đứng", "mặc comple, cà vạt"... đổi đời trong trong ảo tưởng.

Luật sư kể chuyện những

Luật sư Đặng Văn Cường

Cần cơ quan chức năng quyết liệt điều tra

Về các công ty đa cấp, đến nay, đã có nhiều công ty kinh doanh đa cấp bị "đánh sập", nhiều kẻ đã phải "tra tay vào còng" ví dụ như:  Tháng 2/2012, Cơ quan CSĐT (Công an quận Long Biên) đã khởi tố, bắt giam tổng giám đốc kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là tổng giám đốc công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á - ông Lâm Phúc Hùng; Tháng 5/2015,

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cũng vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Trương Văn Linh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Năm 2011, Linh thành lập Công ty SOB Niềm Tin Việt, tổ chức hội thảo, kêu gọi đầu tư vào công ty để hưởng lợi nhuận cao. Linh gạ gẫm nhà đầu tư mua mã số (1,85 triệu đồng/mã số) để được làm thành viên của công ty và nhận được sản phẩm (nước hoa, nhân sâm...); lợi nhuận sẽ tăng cao khi thành viên cũ giới thiệu thành viên mới tham gia đầu tư mã số của công ty... Tháng 10/2012, cơ quan CSĐT đã làm rõ về cách thức hoạt động lừa đảo của công ty Tâm Mặt Trời và xác định có khoảng 39.000 người ở khắp các tỉnh thành là nạn nhân của công ty này.

Theo thông tin của ANTĐ, cơ quan CSĐT Bộ công an đang mở rộng điều tra về hoạt động lừa đảo của công ty cổ phần đầu tư Tâm Mặt Trời (gọi tắt là công ty Tâm Mặt Trời), có trụ sở chúng tại địa chỉ số 15B đường Sông Đà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Bộ Công an xác định công ty bán hàng đa cấp lừa đảo này có chi nhánh trên 30 tỉnh, thành khắp nước và tính đến nay đã có khoảng 39.000 nạn nhân đã sập bẫy lừa của chúng. Ngoài ra, công an nhiều tỉnh thành cũng đã khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng lừa đảo mang danh "đa cấp".

Chốt lại câu chuyện, luật sư Cường chia sẻ: “Vụ việc này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan nhằm ngăn chặn những hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công dân”

Theo Giang Giang ( Người đưa tin/Tinmoi)