Lương tối thiểu "rượt đuổi" mức sống tối thiểu

Sáng 7/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp và chốt phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng 6,5%. Tuy nhiên, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu

Hội đồng tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 3 chốt đề xuất tăng lương tối thiểu 2018 là 6,5% (ảnh H. Hòa) 

Như tin PNVN đã đưa, tại phiên họp, 14 thành viên của Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín và phần lớn thành viên bỏ phiếu thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng là 6,5%, tương đương tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng. Với mức này, tiền lương từ vùng I đến vùng IV lần lượt là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng.

Giải đáp ý kiến về mức tăng này không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: Mức sống tối thiểu bao gồm những nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm đủ tái tạo sức lao động và phi lương thực như nhu cầu ở, học hành, giải trí…

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương có tính toán cụ thể những nhu cầu tối thiểu của người lao động. Phương án tăng lương tối thiểu 6,5%, tùy từng vùng có thể đáp ứng được từ 92% đến 96% “nhu cầu sống tối thiểu”. Ngoài ra, mức sống tối thiểu hằng năm đều có sự thay đổi tùy giá sinh hoạt, CPI (chỉ số giá tiêu dùng)…

Theo ông Diệp, trước khi vào phiên họp, VCCI, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tính toán thì mức tăng 6,5% “chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu”. Trên thực tế ở nước ta, tiền trả cho người lao động lại có rất nhiều khoản, bao gồm lương, thưởng, tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ nhà ở… Theo tính toán, mức tăng nói trên ở khoảng 57% mức lương trung bình trên thị trường.

Ông Diệp cho rằng “tiền lương tối thiểu đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu” là mong muốn của tất cả các quốc gia. Ngay các nước có kinh tế mạnh như Mỹ, Canada thì tiền lương tối thiểu cũng chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Lương tối thiểu vùng vẫn đang “rượt đuổi” để đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu

Tăng lương tối thiểu 2018 tăng chi phí của doanh nghiệp khoảng 0,55% đến 0,6% (ảnh minh họa) 

Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương, việc tăng lương tối thiểu 2018 tăng chi phí của doanh nghiệp khoảng 0,55% đến 0,6%. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% trên thị trường hiện nay sẽ tăng chi phí khoảng 1,1% đến 1,15%. Theo ông Diệp, qua đây cũng thấy sự chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp với người lao động.

Ông Mai Đức Chính cho rằng, người lao động được coi là “tài sản quý” của doanh nghiệp thì chi phí bỏ ra đầu tư cho cả trước mắt và tương lai của người lao động sẽ không vô ích. Cụ thể như tăng chi phí cho đóng BHXH thì đồng nghĩa đầu tư cho an sinh của người lao động.

Ông Chính nhấn mạnh: Hiện nay doanh nghiệp đang phải bỏ ra chi phí “không chính thức” cao gấp nhiều lần so với chi phí cho người lao động. Doanh nghiệp cần giảm ở những chi phí phí không chính thức thay vì giảm chi phí đầu tư cho người lao động. 

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động VN tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động hiện có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy.

Theo phunuvietnam