'Ngân hàng Nhà nước điều hành theo kiểu đánh du kích'

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Ngân hàng Nhà nước từng phải ngồi bàn việc cho vay đến từng doanh nghiệp, điều hành theo kiểu du kích trong năm 2012.

Đây là đánh giá mà tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trình bày trong buổi hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu" diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Vị này dẫn chứng các số liệu cho biết, việc tái cơ cấu từ cuối năm 2011 thì đến năm 2012, nợ xấu toàn hệ thống là 17%. Khi đó, một số ngành thương mại có nguy cơ đổ vỡ, doanh nghiệp không thể vay vốn và rất khó sống.

"Công việc tái cơ cấu khi đó phải giải bài toán có nhiều mâu thuẫn, vừa phải giữ làm phát, vừa phải ổn định thanh toán, lại hỗ trợ doanh nghiệp và tăng tín dụng".

Bước sang năm 2013, theo số liệu của  Ngân hàng Nhà nước khu vực TP HCM, 33% doanh nghiệp ở khu vực này vẫn hoạt động tốt, vay được vốn. 1/3 còn lại sống ngoi ngóp, chờ tín dụng bơm vốn để tiếp tục phát triển nhưng không vay được vì vướng nợ xấu. Số doanh nghiệp còn lại đã chết lâm sàng, có cho vay cũng mất tiền.

Khi đó, quan điểm điều hành được xác đinh là các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 sẽ tiếp tục được đối xử theo đúng nhu cầu thị trường, còn nhóm 2 cần phải cứu, dùng nuôi nợ để đòi nợ. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước phải xét cho vay tới từng doanh nghiệp, thông qua một mối quan hệ kết nối 4 bên trong chương trình "Nối kết doanh nghiệp" vào tháng 6/2012.

Ngân hàng Nhà nước điều hành theo kiểu đánh du kích
TS Trần Du Lịch cho rằng, Nhà nước nên giảm vay bằng trái phiếu để tăng dư địa cho doanh nghiệp. Ảnh: B.L.

"Lúc đầu có nhiều người cho rằng, cách làm của Ngân hàng Nhà nước như vậy là không giống ai, vì với chức năng của mình, cơ quan này không thể ngồi bàn việc cho vay tiền từng doanh nghiệp được. Nhưng tôi cho rằng, đây là cách làm của riêng Việt Nam trong bối cảnh của Việt Nam, không đánh chính quy được thì đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước đã đi đánh du kích", ông Lịch cho hay.

Kết quả của chương trình này, theo ông Lịch, là khá tốt. Từ tháng 6/2012 đến tháng 9 năm nay, tổng số doanh nghiệp ở TP HCM được vay vốn trong chương trình là hơn 7.800 đơn vị, với tổng dư nợ là 170.000 tỷ đồng. Tính trong toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng là 10%, trong khi nợ xấu chỉ còn 2,9%.

"Lượng tín dụng đã tăng như hiện nay thì chúng ta có một tín hiệu để hi vọng quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trở lại một cách bình thường vào năm 2016, chứ không tiếp tục đi đánh du kích mãi nữa. Thế nhưng hiện tại, phía ngân hàng nhà nước TP HCM vẫn có kế hoạch tiếp tục chương trình này", ông Lịch thông tin.

Vị này cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm lãi suất cho vay theo kỳ vọng của doanh nghiệp, ở mức thấp hơn hiện tại 2%, chỉ còn 7-8% một năm (áp dụng cho lãi suất trung hạn). "Doanh nghiệp TP HCM giờ không lo không vay được vốn, mà mong lãi suất giảm. Vì xét thấy hiện nay lạm phát chỉ là 2% mà lãi vay vẫn khoảng 10% thì doanh nghiệp sẽ mất động lực phát triển".

TS Trần Du Lịch cho rằng, hiện tại, Nhà nước có kế hoạch vay vốn thông qua trái phiếu Chính phủ khá nhiều, làm giảm dư địa của doanh nghiệp. "Chính phủ nên giảm vay, nhất là kế hoạch phát hành 60.000 tỷ trái phiếu năm 2016 nên xem xét lại. Vì nguồn tín dụng Nhà nước dùng nhiều quá thì hết dư địa cho doanh nghiệp, khó có cơ hội dùng công cụ để hạ lãi suất".

Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc xử lý bài toán giảm lãi suất đang ở thế giằng co giữa hai câu chuyện là cung cầu thị trường và thương quan giữa lãi suất với tỷ giá. "Bài toán này Ngân hàng Nhà nước có thể giải quyết được", ông khẳng định

Theo Hạ Minh (zing)