Ngập trong nợ nần, công ty 584 ‘sa lầy’ ở nhiều dự án BĐS

Ngập trong nợ nần, công ty 584 ‘sa lầy’ ở nhiều dự án BĐS - Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty 584 âm 3,41 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 72,7 tỷ đồng. Không chỉ ngập trong nợ nần, công ty còn có hàng loạt dự án bất động động sản chậm tiến độ, thậm chí sai phạm trên địa bàn TP HCM.

Loạt dự án BĐS đang “đắp chiếu” của công ty 584

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) vừa rao bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của CTCP Đầu tư Y tế Việt Nam và CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (mã NTB) với tổng giá trị tạm tính khoảng 1.091 tỷ đồng. Tài sản thế chấp kèm khoản nợ này là Khu dân cư 584 Tân Kiên tại đường Huỳnh Bá Chánh, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Ngập trong nợ nần, công ty 584 ‘sa lầy’ ở nhiều dự án BĐS

Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên bị ngân hàng BIDV đấu giá. (Ảnh: CafeLand)

Khu dân cư 584 Tân Kiên do CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 làm chủ đầu tư (CĐT), diện tích đất khoảng 53.051 m2, tổng vốn đầu tư hơn 573 tỷ đồng. Dự án bao gồm hai khối chung cư cao 15 tầng; 5 khu nhà liên kế vườn cao 3 tầng và các công trình phúc lợi như trường học, trung tâm y tế, nhà trẻ, công viên …

Dự án bắt đầu ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng từ năm 2008 nhưng nhiều lần chậm bàn giao. CĐT đã phối hợp với CTCP Đầu tư Y tế Việt Nam thế chấp 653 căn hộ tại đây cho ngân hàng để vay vốn triển khai lĩnh vực y tế, trong đó có hàng trăm căn hộ đã được bán cho khách hàng trước đó.

Đến nay, việc hoàn thiện dự án đang gặp khó khăn khi tài sản đang thuộc sở hữu của nhiều bên, dù khách hàng đã góp vốn của khách hàng nhưng ngân hàng không cho vay.

Ngoài dự án kể trên, công ty 584 hiện nay cũng đang bị “sa lầy” ở hàng loạt dự án bất động sản khác trên địa bàn TP HCM. Trong số đó, hầu hết các dự án đều được công ty này xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NƠXH).

Đầu tiên phải kể đến dự án mà công ty liên danh với CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB, đó là Khu dân cư 584 Lilama SHB Plaza trên đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp, TP HCM. Khởi công năm 2009, dự án có tổng diện tích 29.730,3 m2.

Đây là một trong nhiều dự án của của công ty 584 đăng ký chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH, gồm ba chung cư có một tầng hầm và 15 tầng nổi, tương ứng 1.218 căn hộ. Dự án dự định bàn giao vào cuối năm 2012 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.

Ngập trong nợ nần, công ty 584 ‘sa lầy’ ở nhiều dự án BĐS

Khu dân cư 584 Lilama SHB Plaza đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. (Ảnh: CafeLand)

Cũng xin được chuyển đổi thành NƠXH, dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng cũng vướng bê bối chậm tiến độ đến 6 năm (dự kiến bàn giao dự án từ cuối năm 2011) và bị khách hàng khiếu kiện. Dự án nằm trên đường Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, tổng diện tích 4.588,83 m2, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

CĐT công bố, dự án gồm hai khối cao ốc có một tầng hầm, 20 tầng nổi với tổng số 418 căn hộ; 22% quỹ đất (tương ứng 1.180 m2) được dành để xây dựng công viên cây xanh, một phần diện tích lớn dành để xây các công trình công cộng... Tuy nhiên thực tế đường sá dự án khá nhỏ hẹp nên những hạng mục nêu trên rất khó thực hiện.

Dự án Chung cư căn hộ cao tầng 584 tại địa chỉ số 34A đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thanh cũng thuộc các dự án của CĐT này xin chuyển công năng sang NƠXH và đang trong tình trạng xây xong tầng hầm rồi dừng lại, cho đơn vị khác thuê làm bãi đỗ xe. Theo thiết kế, dự án có diện tích 1.977,8 m2, gồm tòa cao ốc có hai tầng hầm và 20 tầng nổi, tương ứng với 76 căn hộ.

Một số dự án tương tự của công ty 584 cũng xin chuyển công năng từ nhà ở thương mại sang NƠXH nhưng thực tế vẫn bị ngưng trệ và “đắp chiếu” nhiều năm như Khu nhà ở cao tầng Vĩnh Lộc A, Cao ốc tương mại và văn phòng Lê Đức Thọ hay dự án Chung cư cao tầng tái định cư.

Ngoài ra, công ty 584 còn có dự án Chung cư 584 Lũy Bán Bích (Khu Căn hộ cao tầng Sacomreal – 584), quận Tân Phú đã bàn giao nhà và người dân đã chuyển về ở nhiều năm, nhưng mới đây dự án lại bị cơ quan chức năng tháo dỡ nhiều hạng mục (tương ứng khoảng hơn 3.000 m2 công trình) do xây dựng không phép.

Cụ thể, CĐT đã xây không phép tòa nhà 2 tầng tại mặt bằng của lô đất xây chung cư, penhouse, căn in… ở sân thượng với tổng diện tích hơn 1.450 m2; phân chia, chuyển mục đích sử dụng mặt bằng tầng trệt và tầng hầm gần 1.600 m2 để làm văn phòng công ty, quán cà phê, nhà hàng…

Công ty 584 đang bên bờ vực phá sản

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ hàng loạt này là do tình hình tài chính của công ty 584 suy sụp, trong khi doanh nghiệp vẫn đang dính tranh chấp với nhiều đối tác và đang thế chấp ngân hàng quyền sử dụng đất tại nhiều dự án.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5), thành lập năm 1999, chuyển đổi thành CTCP vào năm 2007 với tổng vốn điều lệ là 360 tỷ đồng.

Theo cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, ngành nghề hoạt động chính của công ty là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết là đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà đất; đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở kỹ thuật hạ tầng Khu công nghiệp, cụm dân cư và đô thị).

Ngoài ra, công ty cũng đăng ký hoạt động thêm các ngành nghề khác như sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa thiết bị thi công và gia công gầm cầu thép, sản xuất cơ khí khác, mua bán vật tư, vật liệu xây dựng, thiết bị giao thông vận tải…

Công ty 584 có đến 9 công ty thành viên gồm: CTCP Tư vấn thiết kế 584.1; CTCP Tư vấn giám sát 584.2; CTCP Xây dựng 584.3; CTCP Cơ điện lạnh 584.4; CTCP Kinh doanh vật tư thiết bị 584.5; CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản 584; CTCP Dịch vụ và Đầu tư tài chính 584.7; CTCP Sản xuất và Kinh doanh vật liệu xây dựng 584.8 và Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng 584.

Năm 2016, doanh thu của công ty ghi nhận ở mức 8,9 tỷ đồng; lũy kế cả năm 2016 doanh thu thuần âm 9,4 tỷ đồng (năm 2015 đạt 27,6 tỷ đồng). Chi phí lãi vay tăng mạnh lên 386 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ ròng 397,5 tỷ đồng. Năm 2016, NTB không phát sinh doanh thu do không tìm được công việc mới, không tạo được nguồn thu mà chỉ vay mượn để có chi phí duy trì bộ máy làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty âm 3,41 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 72,7 tỷ đồng. Đây là năm thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Tính đến ngày 30/6, số tiền mặt mà NTB đang có chỉ là 377 triệu đồng, trong khi tổng các nghĩa vụ nợ phải trả lên đến 3.818 tỷ đồng. Việc ngập trong nợ nần đã khiến NTB hai lần không thể tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Linh Lê

Theo doisongtieudung