Ngoài cá, hải sản, chất độc phenol còn có trong những loại thực phẩm nào?

Nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, phenol có thể gây phá hủy đường ruột, tử vong. Nếu tiếp xúc qua da có thể gây hỏng da. Đặc biệt, theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, phenol có trong nhiều loại thực phẩm con người dùng hàng ngày.

Chiều tối 13/6, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đã trả lời một số cơ quan báo chí về thông tin 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị có chứa hàm lượng phenol cao.

Ngoài cá, hải sản, chất độc phenol còn có trong những loại thực phẩm nào?

Kho đông lạnh cá nục chứa phenol tại Quảng Trị. Ảnh: Chi cục ATVSTP Quảng Trị

Theo đó, phenol là chất rắn không màu, màu trắng, có thể tạo thành dung dịch, có thể được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên. Phenol được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Phenol cũng có trong nước, không khí do chất thải công nghiệp chứa thải ra, ngay trong nước ngầm cũng có phenol.

Con người có thể bị tiếp xúc với phenol qua rất nhiều đường khác knhau không khí, hít thở, đất, nước, nhiễm các nguồn nước ngầm, bề mặt. Ngay trong môi trường làm việc sản xuất các nilon, nhựa… đều có thể có phenol.

“Với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán, chè đen lên men. Phenol có thể có tự nhiên trong thực phẩm. Đặc biệt ở một số trái cây như cà chua, táo, lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẵn có phenol, thậm chí với hàm lượng khá cao” – ông Nguyễn Hùng Long nói.

Ngoài cá, hải sản, chất độc phenol còn có trong những loại thực phẩm nào?

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) trả lời báo chí chiều 13/6.

Trả lời câu hỏi về việc có tiêu chuẩn giới hạn của phenol trong thực phẩm, hải sản không, ông Nguyễn Hùng Long cho hay, tại các nước trên thế giới (EU, Nhật, Mỹ…), chưa một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Cơ quan quản lý thực phẩm của Châu Âu (ESSA) có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm là 0.18microgam/1kg thể trọng trên một ngày là an toàn.

“Trở lại với công bố của Quảng Trị, trước hết, Quảng Trị việc lấy 6 mẫu để làm, phát hiện 1 mẫu cá nục ít, với mức phát hiện 0,037mg/kg thì so sánh với mức 0,18 ở trên, một người Việt khoảng 50 – 55kg mà ngày nào cũng ăn 200gram (2 lạng) cá có chứa 0,037mg/kg thì vẫn ở dưới mức này, không có ảnh hưởng đến sức khỏe” – ông Long khẳng định. Hơn nữa, phenol có thể bay hơi, do đó khi chế biến thực phẩm, phenol có trong thực phẩm giảm nhiều chất độc.

Cũng theo ông Long, phenol không bao giờ được cho vào chế biến thực phẩm vì không có tác dụng gì, nhưng cũng có thể sử dụng phenol để tạo hương liệu cho thực phẩm vì nó gây mùi thơm.

Về tác động của phenol đối với sức khỏe, ông Long cho rằng, theo các nghiên cứu, hiện tại chưa có bằng chứng phenol gây ra ung thư. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ cũng không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là 300 – 600mg/1kg thể trọng.

Nhưng, nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, phenol có thể gây phá hủy đường ruột, tử vong. Nếu tiếp xúc qua da có thể gây hỏng da.

Tại Quảng Trị, hiện mới chỉ lấy một mẫu kiểm nghiệm là rất ít, do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành liên quan tại tỉnh lấy thêm một số mẫu trong chính lô đã phát hiện phenol trước đó để kiểm nghiệm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết hiện lô cá nục này đang hiện thời tạm dừng, chưa lưu thông, khi lấy thêm mẫu kiểm nghiệm nếu không cao hơn có thể lưu thông.

Sau khi Cục An toàn thực phẩm nhận được mẫu từ Quảng Trị sẽ gửi Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia kiểm nghiệm thêm. Thời gian kiểm nghiệm chỉ mất khoảng 1-2 ngày, và quy trình kiểm nghiệm khá đơn giản.

“Việc công bố của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị có thể hơi vội vàng. Đúng là phenol gây độc, nhưng phải dùng với liều cao mới gây ra độc như thế, còn không thể nói, cứ có mặt là gây độc được” – ông Nguyễn Hùng Long chia sẻ.

Theo ông Long, tất cả cơ quan chức năng, trước sự việc hoặc vấn đề có tác động sức khỏe con người, phải thận trọng, xem xét kỹ những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mức độ nào rồi mới công bố, tránh tác động tiêu cực đến nhà sản xuất, kinh doanh, và cả người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, phenol là một tổ hợp nhiều chất, được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp, với vai trò là dung môi hữu cơ sản xuất thuốc nhuộm, làm dung môi sản xuất sơn, chất dẻo, sử dụng trong chất tạo màu.

Do là chất cấm nên không có nước nào trên thế giới quy định ngưỡng phenol an toàn trong thực phẩm.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế mới chỉ đề ra mức chuẩn phenol trong môi trường, cụ thể trong nước biển là 0,03mg/l và trong không khí 4mg/m3.

“Đã là chất độc, chất cấm dĩ nhiên là độc dù ít hay nhiều nhưng với hàm lượng 0,037mg/kg thì có đến mức cực độc gây hoang mang không thì tôi xin trả lời nó không quá nguy hại. Nhiều phương tiện nói chất cực độc là không đúng, nhiều chất cực độc hít phải có thể tử vong ngay nên trường hợp này gọi đúng là chất cấm”, PGS Thịnh nói

Theo PGS Thịnh, phenol là chất độc nhưng mức độ ảnh hưởng đến cơ thể thế nào còn phụ thuộc vào nồng độ hấp thụ, chưa kể phenol khi vào cơ thể sẽ được bài tiết một phần qua da, nước tiểu.

PGS Thịnh khuyên người dân không nên quá hoang mang. “Nếu gia đình nào cẩn trọng, khi mua cá về để giã đông tự nhiên, sau đó ngâm và rửa dưới nước sạch, nước ấm nhiều lần, nếu có phenol sẽ tan ra. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn”, PGS Thịnh đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng.

Theo Võ Thu (Giadinh)