Người được ghép tạng sẽ sống thêm bao nhiêu năm?

Không phải bệnh nhân nào ghép tạng cũng thành công, có trường hợp thải ghép ngay hoặc sau vài năm, nhưng cũng có người thọ thêm vài chục năm.

GS.TS. TTND Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, để thực hiện một ca ghép tạng cần 4 khâu được quản lý chặt chẽ về y khoa cũng như pháp luật. Quy trình gồm chuẩn bị nguồn hiến, người nhận, nhân lực kỹ thuật và theo dõi, chăm sóc sau ghép.

Người cho tạng cần có đơn tự nguyện hiến tạng. Họ được khám sức khỏe tổng quát, đảm bảo không có bệnh lý kèm theo. Tuổi người cho nên tương đương hoặc lớn hơn người nhận và đảm bảo phản ứng chéo giữa người cho và nhận, các xét nghiệm viêm gan virus B, C và nhiễm virus CMV, EBV,... của cả hai đều âm tính mới được phép hiến – ghép tạng.

Người được ghép tạng sẽ sống thêm bao nhiêu năm

Theo GS Sơn, không phải tất cả bệnh nhân suy thận, xơ gan, ung thư gan,… đều có thể ghép tạng. Điều này cần có sự chỉ định dựa trên tình trạng và tiên lượng của bệnh nhân.

Trong trường hợp bệnh nhân chết, từ lúc lấy tạng khỏi cơ thể đến khi ghép phải trong vòng 8 tiếng. Do đó, thời gian di chuyển, thời gian bảo quản tạng, các trường hợp phát sinh…. luôn được tính toán kỹ lưỡng nhất. Một ca ghép tạng đòi hỏi ê-kíp rất đông làm việc chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng.

Về tuổi thọ trung bình của các bộ phận, chuyên gia cho hay, về nguyên tắc chung, nếu nhận tạng được hiến từ người khỏe mạnh, đồng thời là người trong cùng huyết thống sẽ có tuổi thọ dài nhất. Tiếp đến là khác huyết thống, sau đó là người chết não và cuối cùng từ người hiến đã ngừng tim.

Bên cạnh yếu tố từ người cho còn có các yếu tố liên quan đến cơ địa người nhận, thuốc sử dụng, bệnh lý phối hợp, các yếu tố môi trường địa lý… Do đó, để quyết định tạng đó có thể sống được bao lâu do rất nhiều yếu tố tác động.

Nhiều người ghép vào cơ thể không thành công do thải ghép cấp, thải ghép tối cấp hoặc sau vài năm, họ mới xuất hiện tổn thương. Người may mắn sống từ 12-25 năm, thậm chí 30 năm, hoặc lâu hơn.

Là người thường xuyên chứng kiến ranh giới sống chết của bệnh nhân, hơn ai hết, GS Trịnh Hồng Sơn kêu gọi hiến tạng là nghĩa rất cử nhân văn, có ý nghĩa hồi sinh cuộc đời một con người. Hiện tại, nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn.

Theo thống kê 5 năm gần đây nhất, chỉ tính riêng các bệnh viện Hà Nội đã có tới 1.500 ca bệnh có nhu cầu ghép gan, cả nước khoảng 4-5.000. Hiện tại, con số này lớn hơn. Về ghép giác mạc, chỉ tính riêng năm 2014, đã có hơn 1.400 người. Con số này với thận là 6.000. Ở các tỉnh đều có nhu cầu. Trong khi đó, khái niệm hiến tạng vẫn còn rất xa lạ với nhiều người khiến nguồn cho thiếu trầm trọng.

GS Sơn cho hay, bên cạnh nguồn hiến là người sống, một bộ phận rất lớn bệnh nhân không may bị chết não là đối tượng thích hợp nhất để ghép tạng. Ông nói: “Hiện tại ngày nào cũng có người chết não do tai biến, tai nạn giao thông và các bệnh khác. Riêng về tai nạn giao thông, mỗi năm, trung bình nước ta có khoảng 11.000 người tử vong, đứng đầu thế giới.

Trong đó, phải có ít nhất 1/3 được xác định là chết não. Nếu tất cả những nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông này đều đồng ý hiến tạng từ trước đó sẽ cho rất nhiều người cơ hội sống khoẻ mạnh. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không biến đau thường thành sức mạnh?”.

Vị chuyên gia thông tin thêm, ở Việt Nam, khi bệnh nhân bị chết não, các bác sĩ phải xin phép thân nhân, gia đình. Trong nỗi đau mất mát, đau thương, ít người chấp nhận, từ đó làm mất cơ hội được cứu sống của người khác. Sở dĩ họ từ chối một phần lớn bởi vẫn còn hy vọng về cơ hội hồi sinh của bệnh nhân chết não.

Về điều này, ông khẳng định: “Chết não là hôn mê sâu, mất hết các phản xạ nuốt, ho, thở,... Chết não dù hồi sức tích cực đến bao nhiêu vẫn không thể cứu được bệnh nhân. Điều này không thể nhầm lẫn bởi được chẩn đoán bởi các hội đồng y khoa.

Riêng ở nước ta, các công đoạn được thực hiện kỹ lưỡng hơn nước ngoài rất nhiều. Một người được khẳng định chết não không thể tồn tại quá 3 ngày. Do đó, thời gian này đòi hỏi người nhà bệnh nhân sáng suốt quyết định”.

Theo Hà Quyên(zing)