Người phụ nữ khuyết tật mang món ăn xứ Quảng đến bạn bè quốc tế

Tình yêu son sắt của người chồng đã giúp người phụ nữ tật nguyền có thêm tự tin và yên tâm để phát triển kinh tế gia đình và mang những món ăn xứ Quảng ra bạn bè thế giới.

Tình cờ gặp chị trong một chương trình tập huấn xóa bỏ mặc cảm của những người khuyết tật, chúng tôi không khỏi ấn tượng về nụ cười rạng rõ cùng ánh mắt tự tin của chị. Chị là Nguyễn Thị Yến Ly, sinh năm 1982, ở Hòa Sơn (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Chị Ly hiện cũng là Phó Chi đoàn thanh niên Chi hội người khuyết tật Đà Nẵng. Những gì chị làm được, một phần nhờ nghị lực phi thường nhưng quan trọng nhất là động lực từ tình yêu của người đàn ông đã nhất quyết bỏ quan mọi khó khăn để sống cùng chị.

Người phụ nữ khuyết tật mang món ăn xứ Quảng đến bạn bè quốc tế

Tổ ấm nhỏ của vợ chồng anh chị luôn khiến mọi người xung quanh ngưỡng mộ khi nhìn vào.

Nghị lực phi thường

Yến Ly vốn sinh ra khỏe mạnh lành lặn như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Thế nhưng khi được hơn một tuổi, thì chẳng may bị sốt bại liệt mà lúc đó chưa có thuốc đặc trị như hiện nay. Dù may mắn giữ được tính mạng, nhưng chị vĩnh viễn không thể đi lại bình thường như những đứa trẻ bình thường khác. “Mỗi lần chứng kiến cảnh mình cố gắng đứng dậy để ra sân chơi với những đứa trẻ khác trong xóm nhưng bất thành mẹ chỉ biết bất lực ôm mình khóc vì thương con. Thế nhưng lúc đó còn nhỏ mình cũng chưa hiểu những thiệt thòi mà bản thân mình đang phải gánh chịu”, Yến Ly kể.

Đến tuổi đi học, thấy chúng bạn cắp sách  tưới trường mình cũng đòi cha mẹ cho mình được đi học. Sợ con bị bạn bè chọc ghẹo lên lúc đầu bố mẹ cương quyết không cho. Thế nhưng vì cô bé Ly nhất quyết nài nỉ nên cuối cùng, bố mẹ đành chiều theo ý muốn của con, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. Những buổi học đầu tiên là những ngày chị khóc hết nước mắt, khi cô bé tật nguyền Nguyễn Thị Yến Ly thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo vì đôi chân tật nguyền.

Mỗi lần đến trường đón con vào cuối buổi học, dù là người đàn ông cứng cỏi, ba Yến Ly cũng không cầm được lòng mình khi chứng kiến cảnh con gái sụt sùi nước mắt. Đáp lại, chị càng quyết tâm học thật giỏi để chúng bạn phải nể phục mình. Cuối năm lớp một, cô bé Ly yếu đuối mau nước mắt đứng nhất lớp trong sự ngỡ ngàng đến nể phục của mọi người. Không dừng lại ở đó, suốt 12 năm học chị liên tiếp đứng đầu lớp, đạt nhiều lần dành giải học sinh giỏi cấp thành phố.

Sau khi học xong phổ thông, chị quyết định tạm ngưng việc học hành ở nhà phụ giúp cha mẹ kinh doanh quán ăn gia đình, nhường cơ hội đến trường cho các em. Chỉ đến khi quy mô quán ăn của gia đình ngày càng mở rộng, chị mới xin phép cha mẹ cho mình đi học tiếp ngành kế toán, cũng là lúc chị vừa hạ sinh cậu con trai đầu lòng được bốn tháng. Suốt gần hai năm trời, chị vừa phải lo chăm sóc cho con, vừa phải theo sát chương trình học tại Trường cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng để không bị hụt hơi, vừa chăm lo cho quán ăn Gió Đồng vốn cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Sau khi ra trường, chính Yến Ly đề nghị bố mẹ mở công ty đồng thời đăng ký độc quyền nhãn hiện Gió Đồng trong lĩnh vực ăn uống giải khát nhằm đi trước các đối thủ một bước. Từ chỗ một quán ăn gia đình, Gió Đồng dưới bàn tay quản lý của chị đã trở thành một điểm đến hấp dẫn quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế, qua những món ăn hết sức mộc mạc nhưng mang đậm đà tình người xứ Quảng.

Thành công nhờ “hậu phương” vững chắc

Để có được thành công như bây giờ, ngoài nỗ lực của bản thân và tình yêu thương của cha mẹ, Yến Ly còn may mắn có được tình yêu thương hết mực của người chồng. Suốt nhiều năm, qua anh luôn là chỗ dựa vững chắc để chị có thể toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh của mình. Chồng chị, anh Trần Ngọc Sang, sinh năm 1971, vốn là anh trai cô bạn thân của Yến Ly. Nhiều lần nghe em gái kể về cô bạn gái khuyết tật nhưng vô cùng thông minh vui tính nên Sang đã thầm để ý đến chị. Dù từ nhà chị đến trường THPT Nguyễn Trãi hơn 15 km, lại ngược đường anh đi làm, thế nhưng bất kể trời mưa hay nắng anh đều đặn đưa đón chị đến trường suốt ba năm cấp ba.

Người phụ nữ khuyết tật mang món ăn xứ Quảng đến bạn bè quốc tế

Chị Ly cùng con trai của mình

Vốn mặc cảm về bản thân, nên dù dành cho anh rất nhiều tình cảm, nhưng khi nhận được lời tỏ tình của anh chị cương quyết từ chối. Sau này khi biết hai người không thể xa nhau được nữa, nên chị mới đồng ý nhận lời yêu anh. Vì sợ gia đình phản đối nên anh chị ngấm ngầm giao hẹn, mà không dám công khai tình yêu của mình với mọi người. Thế nhưng, thấy anh thường xuyên đưa đón con gái, bố mẹ chị cũng sinh nghi. Sau khi biết chuyện, bố mẹ chị ra sức phản đối vì sợ anh không thực lòng đến với con gái mình. Nhưng cuối cùng, sau khi kiên trì thuyết phục bố mẹ chị cũng xuôi theo con gái.

Sợ con gái chịu cảnh nàng dâu mẹ chồng nên bố mẹ chị ra điều kiện sau khi cưới xong thì anh phải về nhà mình ở rể. Tưởng vậy là xong, nhưng chưa hết, ngày anh đưa chị về ra mắt gia đình anh thì bố mẹ anh cũng ra sức phản đối tình yêu của con trai. Trước sự phản đối quyết liệt của bố mẹ, anh Sang cương quyết : “Nếu bố mẹ không đồng ý cho con lấy cô ấy, thì con không ai khác” nên bố mẹ anh cũng phải chấp nhận nhượng bộ với con trai.

Hơn một năm trời, tình yêu của vợ chồng chị phải trải qua hết thử thách này đến thử thách khác. Ngày hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho mình, chị đã không ngăn được những giọt nước mắt đang tuôn ra vì hạnh phúc. Sau ngày cưới, anh Sang đã thôi hẳn công việc lắp điện nước dân dụng của mình để chuyên tâm phụ giúp vợ công việc kinh doanh ở nhà hàng. Dù chỉ là dân “ngang” nhưng nhờ khéo léo và bằng cái tâm của mình nên những món anh chế biến đều rất được lòng thực khách.

Không chỉ kinh doanh thành đạt, cuộc sống của vợ chồng Yến Ly ngày càng viên mãn hạnh phúc, khi hai cậu con trai bụ bẫm lần lượt ra đời trong sự trông đợi của cả gia đình. Cả hai đưa trẻ đều ngoan ngoãn, thông minh nhiều năm liền là học sinh giỏi ở trường. Chị nói vui, tình yêu son sắt của người chồng đã giúp chị có thêm tự tin và quyết tâm làm kinh tế cũng như hoạt động xã hội. Nó như “nguồn vốn” kỳ diệu vì không phải chịu lãi suất và lại ngày càng tự lớn lên giúp chị làm kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Gió Đồng hiện cũng là ngôi nhà chung dành cho người khuyết tật Đà Nẵng khi rất đông người khuyết tật đang có công ăn việc làm ổn định ở đây. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, khi chị sẵn sàng tạo cơ hội cho những người khuyết tật muốn đến làm việc tại Gió Đồng trong thời gian tới. Kế hoạch chị ấp ủ bấy lâu nay bước đầu đã thành hiện thực khi nhờ sự hậu thuẫn của gia đình chị đã mở được thêm nhà hàng Gió Đồng 2 trên đường Nguyễn Tất Thành-một trong những đường biển sầm uất nhất ở miền Trung.

Theo Giadinhvn