Nhanh chóng cách ly 16 người tiếp xúc gần bệnh nhân bạch hầu ở TP.HCM

Sau khi phát hiện nam học viên mắc bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng ở TP.HCM đã nhanh chóng cách ly 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh sống, học tập.

Tối 25-6, trung tá Phan Bá Hiếu - phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng - cho biết đơn vị đang điều trị cho một nam học viên 20 tuổi mắc bệnh bạch hầu.

Theo trung tá Hiếu, trước đó khoảng 9 ngày nam học viên được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm sau đó của Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM đều kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.

"Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân, do nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu nên chúng tôi đã triển khai phương án cách ly, khử khuẩn theo quy định toàn bộ các khu vực bệnh nhân lui tới để điều trị. Ngoài ra, để tránh nguy cơ lây nhiễm một số nhân viên y tế và bệnh nhân tiếp xúc gần đều được uống thuốc điều trị dự phòng", trung tá Hiếu khẳng định.

Ngay khi trường hợp này được xác định mắc bạch hầu, trung tá Hiếu cho biết đơn vị nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn. Theo thống kê ban đầu, có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.

"Sau 9 ngày điều trị, hiện nay tình trạng sức khỏe của nam học viên tương đối ổn định. Bệnh nhân đã hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ", trung tá Hiếu nói.

Trung tá Hiếu cho biết bệnh bạch hầu được đánh giá có mức độ nguy hiểm truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu không được tiêm phòng, phát hiện trễ có thể để lại các di chứng nặng nề như tổn thương thần kinh, tim, thận; liệt các cơ hô hấp hoặc gây tử vong.

Để tránh mắc bạch hầu, trung tá Hiếu khuyến cáo người dân nên tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu phải được uống thuốc phòng. Ngoài ra, cơ chế lây của bệnh là qua đường hô hấp, do đó cần tuân thủ việc đeo khẩu trang đầy đủ.

Đến nay, ngoài Đắk Nông thì TP.HCM là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch hầu. 

Trước diễn biến phức tạp này, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - đã tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

Tính đến thời điểm khảo sát, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Trong đó có 6 ca dương tính, 4 ca đang được điều trị tại khoa nhi.

Hương Thảo

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM lên đường hỗ trợ bệnh viện có ca bạch hầu

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, đoàn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - nơi điều trị các trường hợp bạch hầu ở Đắk Nông - để khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật.

benh-vien-benh-nhiet-doi-tphcm-len-duong-ho-tro-benh-vien-co-ca-bach-hau

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết vào chiều 25-6. 

Theo đó, từ ngày 23 và 24-6, TS.BS Vĩnh Châu đã tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk) - nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

TS.BS Vĩnh Châu cho biết tính đến thời điểm khảo sát, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Trong đó có 6 ca dương tính, 4 ca đang được điều trị tại khoa nhi. 

Riêng bệnh nhân G.A.Ph. (13 tuổi, dân tộc Mông) nhập viện vì sốt, ho, đau họng ngày thứ 4, chưa chích ngừa bạch hầu trước đây. Bệnh nhân P. được chẩn đoán bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp. 

Qua thăm khám trực tiếp bệnh nhân và thảo luận với đơn vị, các chuyên gia của đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đưa ra phương hướng điều trị tiếp theo bao gồm: đặt máy tạo nhịp tim, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tim mạch bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim. 

Khoa nhi, khoa tim mạch học can thiệp và các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiến hành thực hiện thành công đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân ngay trong đêm. 

Hiện tình trạng của bệnh nhân P. còn khả năng diễn biến phức tạp, các bác sĩ xem xét chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục hồi sức tích cực và theo dõi. 

TS.BS Vĩnh Châu cho biết thêm đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã cùng với ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và các bác sĩ khoa nhi thảo luận trao đổi một số vấn đề về quản lý bệnh, chăm sóc điều trị các bệnh nhân trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng cử phó khoa hồi sức tích cực trẻ em - có kinh nghiệm hồi sức bệnh nhân bạch hầu ác tính - ở lại để trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có báo cáo nhanh kết quả giám sát công tác điều trị và kiến nghị đến Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xem xét hỗ trợ, cung cấp đầy đủ SAD (huyết thanh kháng độc tố bạch hầu) cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất để công tác điều trị dịch bạch hầu đạt hiệu quả cao. 

Trước đó, ngày 20-6, khoa hồi sức cấp cứu trẻ em Bệnh viện Nhiệt đới tiếp nhận một bé gái 9 tuổi, người dân tộc Mông được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Bệnh nhân đã tử vong sau hơn 2 giờ nhập viện.

Xuân Mai

Theo Tuổi trẻ

---

Xem thêm:

+Đắk Nông: Thêm ổ dịch bạch hầu thứ 3, cách li hơn 650 người

+Mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu: T.ử v.ong nhanh hơn Covid-19

+Một cháu bé t.ử v.ong vì bệnh bạch hầu, cách ly hàng trăm người dân

----