Những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số



Mặc dù được cho là dòng xe bền bỉ và ít khi hỏng vặt nhưng không điều khiển đúng cách thì xe máy số cũng nhiều "bệnh" chẳng kém gì xe ga. Hãy cùng báo điện tử Gia đình Việt Nam tìm hiểu những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số!

Những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số

Sử dụng một cơ chế vận hành đơn giản, nhỏ gọn và có giá thành không cao nên xe máy số tại Việt Nam hiện nay vẫn là phương tiện chủ yếu và chiếm một số lượng đông đảo. Mặc dù xe ga đang dần được "phổ cập" đến mọi nhà nhưng nhắc đến xe số, người ta nghĩ đến cả một chặng đường dài phát triển và dù thế nào đi nữa, xe số vẫn là chiếc xe luôn luôn tồn tại và song hành với cuộc sống của người dân trên dải đất hình chữ S.

Có một chi phí vận hành thấp và bền bỉ với thời gian nên xe máy số được một bộ phận lớn người dân ưa chuộng, tuy nhiên không phải vì điều này mà chiếc xe sẽ bền mãi hoặc không bao giờ hỏng vặt... Các cụ có câu "Của bền tại người", xe số mặc dù có chi phí sửa chữa thấp nhưng nếu không biết vận hành đúng cách, xe số sẽ nhanh xuống máy, phụ tùng cũng chóng hao mòn và liên tục phải bảo dưỡng, tu sửa.

May-ơ nhanh cháy do thói quen nhấn phanh liên tục

Đối với xe máy số, may-ơ là một chi tiết nằm ở trục sau của bánh xe, có lẽ nhắc đến một tên danh từ riêng này, đa phần chị em đều không hiểu may-ơ là gì? Và làm sao để không bị cháy may-ơ?

Những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số

Nếu sử dụng phanh và ga không đúng cách, may-ơ xe sẽ rất dễ bị cháy và dần dần sẽ phải thay mới

(Ảnh May-ơ xe Honda Dream)

Thói quen điều khiển xe máy chưa "chắc tay" khiến nhiều chị em phụ nữ cảm thấy lo lắng trong khi di chuyển, mà đã lo lắng thì đa phần chị em luôn "phòng thủ" sẵn phanh chân và sẵn sàng nhấn phanh. Chuẩn bị sẵn tư thế để phanh là không sai và hoàn toàn đúng đắn nhưng do bất cẩn hoặc chưa có kinh nghiệm lái xe tốt nên rất nhiều chị em vừa mớm phanh vừa ga liên tục trong khi di chuyển dẫn đến trục bánh sau bị ma sát liên tục đến mức... cháy cả may-ơ. Dấu hiệu để nhận biết xe bị cháy may-ơ là bộ phận trục sau bánh xe sẽ ngả màu vàng đậm.

Lá côn nhanh mòn do người dùng chỉ đi... số 4

Cũng do tâm lý kết hợp với chưa có kinh nghiệm đi xe và sợ không điều chỉnh được tốc độ ở số 1, 2 nên rất nhiều người có thói quen trước khi chạy xe là trả về số 4. Số 4 do không bốc bằng số 1 nên đây được cho là phương án an toàn của chị em. Tuy nhiên đây chính là nguyên nhân khiến xe bị ì máy và lá côn sẽ rất mau mòn do phải chịu một trọng lực rất lớn ngay từ thời điểm vận hành.

Những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số

Hình ảnh bên trong lốc máy của một chiếc xe số tự động, lá côn sau thời gian dài sử dụng không đúng cách sẽ buộc phải thay mới nếu muốn xe không bị ì

Khi xe ở trong tình trạng không thể điều khiển được, chị em mới tìm đến các cửa hàng sửa chữa, lúc đó bộ phận lá côn và máy móc sẽ phải thay thế hoặc căn chỉnh, chi phí phát sinh mặc dù không quá lớn nhưng so với giá trị của một chiếc xe số thì cũng không hề nhỏ.

Má phanh nhanh mòn do đi xe không đúng cách

Tuy là một chi tiết ăn mòn theo thời gian, sớm muộn cũng phải thay thế nhưng do thói quen sử dụng xe chưa đúng cách nên nhiều người thường phải thay má phanh sớm gấp 2, thậm chí gấp 3 lần bình thường, đặc biệt là xe số có tích hợp phanh đĩa.

Những bộ phận dễ hỏng nhất của xe máy số

Má phanh đĩa quá mòn khiến xe phát ra tiếng động rất khó chịu

Thói quen không rửa xe sạch sẽ hoặc di chuyển ở những địa hình có nhiều cát sẽ dẫn tới má phanh nhanh bị mòn. Mớm phanh để đèn hậu đỏ liên tục cũng là một thói quen xấu làm má phanh xe của bạn nhanh mòn. Đối với xe số có tích hợp phanh đĩa, dấu hiệu để nhận biết bị mòn má phanh là khi di chuyển xe sẽ phát ra một tiếng động rất to, giống như tiếng ma sát của 2 vật bằng kim loại.

Do bị mòn nên bộ phận chịu lực của má phanh sẽ ma sát vào đĩa gây ra tiếng động khó chịu nêu trên.

Mẹo vặt cho chị em khi đi sửa xe, nên tìm một cửa hàng sửa xe gần nhà để thợ xe có thể bắt "bệnh" xe nhanh hơn do đã quá quen chiếc xe của bạn. Hạn chế sửa xe tại những cửa hàng vãng lai vì nếu bất cẩn, bạn có thể bị... "luộc đồ". Còn đối với cách thức vận hành: Trong khoảng từ số 1 đến số 2, tốc độ là 20 km/h; từ số 2 đến 3, tốc độ là 20-40 km/h; từ số 3 đến 4 dành cho tốc độ 40-60 km/h.

Theo M.K(GDVN)