Những người không được uống nước dứa

Dứa cũng như nước dứa mang đến rất nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể uống nước dứa.

Những người bị đau dạ dày không nên uống nước dứa

Nếu bạn đau dạ dày (đau bao tử), bạn nên kiêng uống các đồ uống có vị chua như nước dứa hay chanh, nước mơ. Chúng có tính kích thích dạ dày tiết dịch axít, gây tổn hại niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành.

Những người không được uống nước dứa

Những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu không được uống nước dứa

Dứa có tác dụng phân hủy fibrin chống tụ huyết nên có tài liệu khuyên những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (người hay chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa hay uống nước dứa.

Những người đang đói bụng không được uống nước dứa

Khi bụng đói không nên ăn dứa hoặc uống nước dứa ép vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.

Cách ăn dứa, uống nước ép dứa có lợi cho sức khỏe

Không ăn hoặc uống nước dứa từ những quả dứa dập nát, gọt dứa phải hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt, sau đó xát qua ít muối rồi rửa sạch mới bổ ra ăn.

Bà bầu có thể bị dị ứng dứa, đây là phản ứng của cơ thể với protein có trong dứa. Những biểu hiện của dị ứng dứa là: Bạn bị đau bụng, tiêu chảy, có thể xuất hiện ngứa toàn thân; bạn cũng có thể cảm thấy tê lưỡi, khó thở…, vì vậy để tránh dị ứng dứa, sau khi gọt vỏ, nên cắt dứa thành từng miếng, ngâm nước muối nhạt 10- 30 phút.

Làm như vậy không chỉ tránh được hiện tượng rát lưỡi khi ăn dứa, mà còn giúp thấy dứa có vị thơm, ngon hơn. Nếu có cơ địa dị ứng, tốt nhất, nên sử dụng dứa đã qua chế biến (xào, nấu canh). Dưới tác dụng của nhiệt, khả năng gây dị ứng của dứa sẽ không còn.

Theo Phương Vũ (Gia Đình Việt Nam)