Những tiếng khóc của trẻ em ở Trung Quốc

Những vấn đề về dân số, độ tuổi và suất sinh đang là một trong những vấn đề đau đầu nhất với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Khi nó báo hiệu một sự thiếu hụt nhân lực lao động nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước này trong tương lai. 

Để sửa chữa tình trạng này, thậm chí Bắc Kinh đã phải chấp nhận dỡ bỏ một phần chính sách sinh một con đã kéo dài hàng chục năm qua. Có vẻ như đã đến lúc chính phủ Trung Quốc quan tâm hơn đến nguồn nhân lực quý giá của đất nước trong tương lai. Nhưng câu trả lời có lẽ vẫn là không, khi mà những vấn đề về dân số và suất sinh ở Trung Quốc vẫn đang là một vấn đề nhức nhối nhất. 

Quả thực, với một đất nước có diện tích mênh mông và một dân số đứng hàng đầu thế giới, chiếm 20% tổng dân số toàn cầu, thì việc quan tâm đến vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân luôn là một trong những vấn đề khó khăn nhất với những người lãnh đạo Trung Quốc, từ quá khứ cho đến hiện tại. Nạn nhân mãn, những vấn đề về lương thực và tổ chức xã hội cũng như công ăn việc làm quan trọng hơn là tìm cách cải thiện đời sống cho từng người dân rất nhiều. 

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã “lỡ” kêu gọi người dân tìm cách nâng cao suất sinh như một cách tăng cường nhân lực cho phát triển kinh tế và quốc phòng, khiến cho dân số Trung Quốc chỉ sau hai mươi năm đã tăng thêm 400 triệu người. Tốc độ tăng dân số chóng mặt như vậy, khiến cho một người lạc quan như Mao Trạch Đông cũng phải lạnh gáy và tìm cách kiềm hãm tốc độ tăng dân số. Chính sách sinh một con được ban hành, và bị cưỡng ép thực hiện theo nhiều cách khác nhau. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó an ủi người dân đối với chính sách dân số có phần khắc nghiệt đó rằng, việc sinh một con sẽ làm tăng điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn so với việc sinh nhiều con. Nhiều người Trung Quốc cũng tưởng như vậy, cho đến khi Trung Quốc mở cửa đất nước và phát triển kinh tế thị trường.

Quá trình phát triển kinh tế chóng mặt trong ba mươi qua được xem là một điều phi thường, nhưng cũng đem lại nhiều hậu quả tương xứng. Một trong số đó là xáo trộn cơ cấu xã hội Trung Quốc một cách mạnh mẽ, và ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và đào tạo trẻ em. Chiến lược phát triển theo kiểu vệt dầu loang của Trung Quốc, bắt nguồn từ những thành phố duyên hải phía đông, khiến cho một phần lớn người dân đổ về các thành phố này tìm kiếm cơ hội việc làm. 

Hàng trăm triệu người trong độ tuổi lao động đổ về các tỉnh phía đông làm việc đã dẫn tới những làng mạc và thị trấn nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc xơ xác và vắng vẻ hơn bao giờ hết, nơi chỉ còn những người già ở lại và chờ đợi đến dịp Tết nguyên đán vốn là dịp duy nhất đoàn tụ gia đình trong năm. Nhưng một xu thế còn tỏ ra ghê gớm hơn, phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, là việc trẻ em được gửi về nhà cho ông bà chăm sóc, do bố mẹ chúng không có đủ điều kiện tài chính hoặc thời gian để chăm sóc chúng ở các thành phố.

Điều này bắt nguồn từ việc, đa số các hộ gia đình trẻ ở các thành phố Trung Quốc đều không đủ điều kiện tài chính để thuê người chăm sóc đứa trẻ, khi mà cuộc sống công nghiệp không cho phép một trong hai người ở nhà để chăm sóc đứa con. Gửi về quê cho ông bà chăm sóc là lựa chọn duy nhất. Nhưng nó cũng đang đem lại những hậu quả nặng nề. 

Nổi bật trong số đó là vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Sự lựa chọn duy nhất trong vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu là sữa bột công thức được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc sản xuất trong nước. Theo ước tính, đến năm 2014 chỉ có chưa đầy 16% phụ nữ ở các thành phố cho con bú sữa mẹ, ở nông thôn tỷ lệ này cao hơn một chút là khoảng 30%. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng trên 80% trẻ em ở thành phố là thuộc diện uống sữa công thức, và ở nông thôn là khoảng 70%. 

Không phải người Trung Quốc không biết rằng, việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Nhưng họ không còn cách nào khác, khi mà ở Trung Quốc thời gian nghỉ đẻ của phụ nữ hầu hết chỉ là khoảng 30 ngày, họ không thể có điều kiện cho trẻ bú sữa mẹ, và buộc phải sử dụng sữa công thức.

Cũng chính vì điều này nên thị trường sữa công thức ở Trung Quốc đang trở nên béo bở hơn bao giờ hết. Lợi nhuận của các công ty sữa ở Trung Quốc trong năm 2014 đạt mức 21 tỷ USD, và có thể sẽ nâng lên 30 tỷ USD vào năm 2017. Lợi nhuận cao như thế, nên không khó hiểu khi ngày càng có nhiều các doanh nghiệp làm sữa kém chất lượng để kiếm lời. Mùa hè năm 2008, chính phủ Trung Quốc phát hiện ra hàng loạt các công ty sữa lớn nhất ở nước này sản xuất sữa từ những hóa chất độc hại từ chất dẻo, gây ra tử vong cho 6 trẻ sơ sinh, 50 ngàn trẻ phải nhập viện và hơn 300 ngàn trẻ bị mắc bệnh. 

Nhưng thay vì chuyển sang dùng sữa mẹ, các gia đình Trung Quốc lại điên cuồng tìm kiếm các nguồn cung cấp sữa ngoại có uy tín hơn. Một trong số đó là việc các thương lái Trung Quốc tràn sang Hồng Kông thu mua sữa khiến cho mặt hàng này ở đây rơi vào cạn kiệt, khiến cho người dân Hồng Kông nổi giận.

Tất cả những điều này, đã đặt ra một thực trạng đáng báo động đối với chính phủ Trung Quốc trong vấn đề dân số. Sẽ chẳng có ích gì khi hô hào và khuyến khích người dân hoặc tiếp tục duy trì chính sách sinh một con, hoặc là chấp nhận theo luật mới và sinh con thứ hai, nếu như điều kiện chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc vẫn tồi tệ như thời điểm hiện tại. Trong động thái mới nhất, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cân nhắc lệnh cấm quảng cáo sữa công thức, như một nỗ lực khuyến khích các bà mẹ cho con bú sữa của mình. 

Nhưng điều này đang đặt ra những sự nghi ngờ, vì vấn đề chủ chốt trong việc các bà mẹ Trung Quốc không thể cho con bú sữa của mình, là ở việc thời gian nghỉ sinh của họ quá ngắn, và nhất là phải gửi con về quê để ông bà chăm sóc. Vấn đề sẽ chẳng cải thiện được bao nhiêu nếu như xã hội Trung Quốc vẫn bị đảo lộn nghiêm trọng do sự phát triển kinh tế ồ ạt và thiếu quy hoạch kỹ càng hiện nay gây ra.

Theo Nhàn Đàm (Một thế giới)