Nỗi ám ảnh mang tên xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động nhiều năm trở lại đây được xem là lối ra cho bài toán công ăn việc làm và cơ hội thoát nghèo với nhiều người dân Việt Nam. Trong đó, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản được xem là 3 thị trường thu hút lượng lao động xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, số người dành dụm tiền gửi về thì ít mà “lênh đênh” thì nhiều. 

Hơn 10 năm trước, ở các vùng quê mọi người hay kháo nhau về chuyện gả con gái sang Đài Loan được hưởng phước. Sau vài năm, đa phần phước đâu không thấy chỉ thấy con gái họ biệt tăm mất tích, không liên lạc về và cũng không biết sống chết ra sao bên gia đình chồng.

Nhà nào may mắn lắm thì dăm ba tháng hay nửa năm sẽ nhận được chút tiền gọi là “dưỡng già” từ đứa con xa quê, hoặc trong 100 người ra đi cũng sẽ có 1 người giúp được bố mẹ mua đất, cất nhà cho “nở mặt nở mày” với bà con, làng xóm. Tuy nhiên, câu chuyện hưởng lộc, hưởng phước từ việc gả con sang Đài ấy dường như chưa bao giờ là mỹ mãn.

Hợp đồng một đằng, làm việc một nẻo

Cũng giống như thế, trào lưu xuất khẩu lao động hòng tìm kiếm cơ hội đổi đời từ mấy năm nay vẫn luôn rầm rộ, dù cái kết đôi khi là những câu chuyện đắng lòng. Theo thống kê, mỗi năm số lượng lao động người Việt “xuất ngoại” sang Đài Loan luôn dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu. 

Nhưng, không phải ai rồi cũng tìm được cho mình một công việc phù hợp và kiếm được nhiều tiền như lời hứa hẹn ban đầu của các công ty môi giới. Xứ người - để đến được phải bỏ ra mấy mươi triệu đồng, những tưởng công việc ổn định sẽ mang lại nguồn thu nhập cao, cuộc sống vững vàng, ai ngờ… Trên thực tế, rất nhiều lao động Việt Nam xuất khẩu sang Đài bị đối xử vô cùng tệ bạc. 

Chẳng những phải làm công việc khác xa với thỏa thuận đã ký trong hợp đồng ban đầu, họ còn bị bóc lột thời gian và sức lực một cách kiệt quệ. Như anh T.H.Dũng, sang Đài Loan theo hợp đồng làm về hàng điện tử nhưng đến nơi thì mới biết công việc của mình là làm về hóa chất. Hàng ngày, anh phải rửa các thùng hóa chất có mùi vô cùng khó chịu để tái sản xuất. Do tính chất cực kì độc hại mà trước đó đã có nhiều người Việt phải bỏ trốn vì không thể chịu được công việc này. 


Ảnh minh họa 

Một số trường hợp khác, công nhân phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, vấn đề an toàn lao động không được bảo đảm và thường xuyên phải làm quá giờ quy định nhưng không được trả lương thêm, hoặc trả không đúng với quy định của giờ tăng ca.

Kể cả ở nhiều nơi, ông chủ còn đặt ra những luật lệ hà khắc rất vô lý như: cấm không được đi ra ngoài, không được tiếp khách, không lui tới các nhà thờ, ai tới các nhà thờ thì sẽ bị đuổi về nước… Chị V.T.Khương, người giúp việc trong một gia đình ở Đài Loan cho biết: “Ở bên đây làm một ngày mười mấy tiếng, 20 tiếng cũng có. 

Mỗi ngày đều phải dọn dẹp 2 nhà to, dọn xong thì bế em bé, một đứa bị liệt 6 tuổi nằm giường, một thằng mới 7 tháng... Nhưng điều tôi ức chế nhất là hay bị ông chủ sàm sỡ”. Đối với phụ nữ Việt Nam, có lẽ nghề ôsin khi đi xuất khẩu lao động là một trong những nghề chịu nhiều đắng cay, khổ cực nhất. “Nói là làm việc nhà nhưng nhà chủ nhiều việc thường làm đến 2-3 giờ, có lúc 4-5 giờ sáng mới được ngủ. 

Người ta nói gì thì mình phải tuân theo, không được cãi lại. Người ta cho gì thì mình ăn cái đó. Nhiều lần muốn về nhưng nếu về thì phải đền tiền cho họ, rồi lại bỏ tiền vé để về. Hợp đồng 2 năm, giờ mới được một năm, dù sao cũng phải chịu cực chịu khổ mà làm” - chị H.N.D.Thủy tâm sự. 

Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Dễ dàng nhận thấy, nhiều lao động Việt đi xuất khẩu đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Thậm chí, có một số trường hợp tai nạn lao động xảy ra, người chủ đôi lúc vô trách nhiệm không giải quyết mà còn tìm cách đưa trả các công nhân về nước cho xong chuyện. Với cái giá thuê rẻ mạt, dường như số phận con người lao động trong tình thế ấy cũng trở nên rẻ mạt chẳng kém. 

Ở thị trường Hàn Quốc, cuộc sống của các lao động có phần “đỡ éo le” hơn. Hầu hết lao động phổ thông Việt Nam xuất khẩu sang Hàn chủ yếu là làm trong ngành nông nghiệp, xây dựng, công nhân lắp ráp tại các công xưởng, nhà máy. “Trong 3 tháng đầu thử việc, em phải bưng đất cho các nông trại. Mỗi ngày em phải làm việc ngoài trời bắt đầu từ 7 giờ sáng, trưa được nghỉ ngơi một giờ đồng hồ rồi làm việc tiếp đến 6 giờ chiều. Đói và rét là nỗi ám ảnh lớn nhất của em trong những ngày tháng đầu tiên đặt chân đến đây”, chị T.T.Trâm - một lao động phổ thông chia sẻ. 

Cũng có trường hợp, một số người vừa mới qua do không thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị ốm đau, thậm chí rủi ro bỏ mạng do tai nạn lao động bất ngờ, để lại vợ trẻ, con thơ nơi quê nhà. Tuy nhiên, nếu may mắn và chịu thương chịu khó, sau vài năm làm việc cật lực họ cũng có thể tích cóp được một ít tiền dành dụm gửi về cho gia đình.

Lao động đi xuất khẩu khổ cực là thế, ấy vậy mà nhiều người vẫn muốn ra đi. Các cơ quan môi giới vẫn hoạt động nhộn nhịp như không có gì bất ổn xảy ra. 

Những lời chào mời, những điều hứa hẹn về công ăn việc làm ổn định tại một vùng đất mới - hiển nhiên được quảng cáo, lan truyền và “lôi kéo” nhiều người dân. Để rồi, “tiền mất tật mang”, “đi được về được là... may lắm rồi!”. Chỉ biết thở dài mà ngẫm nghĩ, khi nào xuất khẩu lao động mới thôi trở thành một “vấn nạn”?! Khi nào kinh tế Việt Nam mới phát triển “đủ” để lao động trong nước không phải bán công sức và chất xám của mình ở một đất nước xa lạ khác?!

Theo An Nhiên (Duyên dáng Việt Nam)