Phát hiện Dịch tả lợn Châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình

02 ổ dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại một số địa bàn tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

phat-hien-dich-ta-lon-chau-phi-o-hung-yen-thai-binh

Hình ảnh xử lý ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 02/2019. Ảnh: Cục Thú y cung cấp.

Sáng ngày 20/2, thông tin tới PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho hay, những ngày vừa qua, lực lượng chuyên ngành đã phát hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại hộ gia đình ông Dương Văn Vũ (trú tại xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) và hộ gia đình ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hoà, huyện Yên Mỹ).

Tại tỉnh Thái Bình, dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện kịp thời tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp của địa phương khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Ngoài ra, thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính.

phat-hien-dich-ta-lon-chau-phi-o-hung-yen-thai-binh

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Hà Nội, Hòa Bình vào tháng 01/2019. Ảnh: Cục Thú y cung cấp.

Cũng theo đại diện Cục Thú y, để phòng, chống dịch bệnh, các hộ chăn nuôi gia đình phải thực hiện nhiều “không” đối với dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể, không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, tốt nhất là không sử dụng. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

Ngoài ra, khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin. Không để những người bán cán, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Theo GiaDinh