Phòng ngừa bệnh bạch hầu cho trẻ hiệu quả nhất

(BaoveNTD) - Bạch hầu lây theo đường hô hấp, gây hủy hoại mô tại chỗ, hoặc tác động lên cơ tim, thần kinh ngọai biên và thận. Bệnh khá nguy hiểm cho trẻ em, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách phòng trị bệnh hiệu quả.  

Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây theo đường hô hấp, gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, thanh quản, mũi, đôi khi ở da và các vùng niêm mạc khác... Đặc điểm nổi bật của bệnh là có những màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm khuẩn.

Bệnh này được gọi là bạch hầu vì bệnh gây ra các mảng trắng nổi ở vùng hầu họng (bạch là trắng, hầu là vùng hầu họng).

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Corynebacterium diphtheriae xâm nhập qua đường mũi, miệng, phát triển ở niêm mạc đường hô hấp trên, tiết ra ngoại độc tố, vào máu và phát tán đến các cơ quan, chính là tác nhân gây bệnh. Ngoại độc tố bạch hầu gây hủy hoại mô tại chỗ, hoặc tác động xa lên cơ tim, thần kinh ngoại biên và thận.

Vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc với chất tiết từ đường hô hấp, hoặc với những đồ vật dính chất bài tiết từ chỗ tổn thương của người bị nhiễm khuẩn khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn (ít khi kéo dài hơn 4 tuần, hiếm khi vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng).

Phòng ngừa bệnh bạch hầu cho trẻ hiệu quả nhất

Bệnh này lây qua đường hô hấp nhưng không lây mạnh như sởi hay cúm.

Nếu người mẹ đã có miễn dịch thì đứa con mới sinh ra của họ có được miễn dịch tương đối do mẹ truyền cho. Đây là miễn dịch thụ động và thường sẽ mất đi trước 6 tháng. Trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ dưới một tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng chia sẻ, hiện hiện nay bệnh bạch hầu không còn nhiều, không thể lây tràn lan như tay chân miệng hay cúm được vì đã có vaccin phòng ngừa. Vài năm gần đây chỉ bị gặp ở 1 vùng khu trú(Quảng Nam và Bình Phước) và sẽ được khống chế một cách dễ dàng.

Bệnh bạch hầu có các biểu hiện như các bệnh viêm họng khác. Bé sẽ bị sốt, đau họng, lừ đừ, li bì… Nhưng quan trọng nhất là bé có xuất hiện các mảng trắng trong họng(nhưng nhiều khi có mảng này xuất hiện vẫn có thể bé không bị bệnh bạch hầu), hoặc bé bị nổi hạch làm cổ to ra.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng, chích ngừa là cách phòng ngừa hiệu quả nhất, nếu bé đã chích đủ 5 trong 1 hay 6 trong 1 (dịch vụ hay tiêm chủng mở rộng) là đủ ngừa rồi, khi cần lắm mới nhắc mũi lúc lớn (4 trong 1 hay các loại DTaP,Tdap).

Mọi người trong gia đình người bị bệnh bạch hầu nên rửa tay, mang khẩu trang để có thể phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp.

Đối với một số người tiếp xúc gần (chung nhà) với người bị bệnh bạch hầu thì có thể dùng kháng sinh để ngừa.

Chỉ cần mỗi người trang bị cho mình kiến thức phòng bệnh thì không có gì phải lo lắng khi sống chung hoặc sống gần người bị bệnh bạch hầu.

Xuân Anh Lê