Quy trình đánh dấu con sau sinh tại bệnh viện như thế nào?

Những vụ việc trao nhầm con tại nhà hộ sinh khiến cha mẹ thất lạc con 42 năm gần đây khiến nhiều người bắt đầu lo lắng về quy trình quản lý trẻ sơ sinh tại bệnh viện.

Quy trình đánh dấu trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện

Theo báo Sức khỏe và đời sống, bệnh viện sẽ phát 3 áo sơ sinh và một mũ hấp tiệt trùng trước khi sản phụ sinh.

Sau khi sinh em bé, em bé được gặp mẹ ngay lập tức để mẹ có thể kiểm tra giờ sinh, giới tính rồi đặt úp em bé trên bụng mẹ, mẹ sẽ vòng tay ôm cái ôm đầu tiên.

Mẹ sẽ được nhân viên y tế hỏi rõ tên của em bé rồi ghi thông tin của 2 mẹ con cùng với số thứ tự vào 2 vòng tay bằng nhựa. Thông tin được viết bằng mực không phai. Sau khi được mẹ xác nhận thông tin ghi trên vòng thì vòng nhỏ sẽ được đeo vào chân con, vòng lớn đeo vào tay mẹ. Một đặc điểm của chiếc vòng là nó sẽ không thể dùng lại được nữa sau khi tháo ra, vì thế sẽ tránh được việc nhầm lẫn hay tháo từ em bé này sang bé khác.

Vòng đánh dấu con sau sinh được các bệnh viện sử dụng (Ảnh: Sức khỏe và đời sống)

Cũng theo báo Sức khỏe và đời sống, có những bệnh viện đã áp dụng dùng dây plastic mềm với 2 màu xanh và hồng để phân biệt con trai và con gái. Dây màu hồng là con gái, dây màu xanh là con trai và dây không thể bị dứt đứt trì khi dùng kéo cắt.

Người mẹ tiếp tục được các nhân viên y tế thực hiện các thủ thuật sau sinh. Khi 2 mẹ con được ra phòng hậu đẻ thì em bé vẫn được nằm nguyên trên bụng mẹ.

Một số trường hợp em bé có bệnh lý thì sẽ được chuyển xuống khoa sơ sinh và tất nhiên là phải có người nhà đi theo.

Vòng đánh dấu được đeo vào tay mẹ và chân con (Ảnh: Sức khỏe và đời sống)

Ngay sau đó, trẻ được đưa đi tắm và quần áo của trẻ thay sẽ được gia đình đưa trực tiếp cho hộ sinh, đồng thời gia đình cũng đưa quần áo trẻ về hoặc bỏ để tránh việc trao nhầm con.

“Trăm cách” tự đánh dấu con của các bà mẹ

Theo Vnexpress, mặc dù đã được bệnh viện đánh dấu bé mới sinh rất cẩn thận nhưng có những ông bố đã nghĩ ra cách lấy điện thoại chụp lại mặt con, chú ý đến cả kiểu tóc, chân, tay, từng vết bẩn trên cơ thể để không bị nhầm lẫn khi nhận lại con.

Có bà mẹ lại sử dụng chiếc vòng dâu từ trước để đánh dấu con, khi vừa sinh xong thì đưa ngay cho hộ lý nhờ họ đeo vào chân bé để tránh trường hợp nhầm con. Đồng thời hỏi kỹ cân nặng, hoặc các vết bớt, dấu vết trên người bé như nốt ruồi,...

Mẹ tự đánh dấu con bằng cách dán mẩu dính to trên trán (Ảnh:Vnexpress)

Có người cẩn thận hơn còn dán một mẩu băng dính to trên trán bé ghi tên mẹ, tên con, địa chỉ của gia đình để không bị nhầm lẫn. Thậm chí có người còn cắt một ít tóc của con để đề phòng lỡ khi nhận nhầm con hoặc cảm thấy nghi ngờ thì có thể dễ dàng tìm lại.

Nhiều người cũng đã lựa chọn cách thuê luôn một hộ lý để chăm sóc đặc biệt cho con dù sẽ tốn thêm một khoản tiền nữa nhưng sẽ yên tâm hơn.

Những lo lắng trên của các sản phụ không phải là không có cơ sở nhưng trường hợp nhầm lẫn con là việc hiếm gặp, hơn nữa hiện nay các bệnh viện lớn đều có phương pháp đánh dấu con rất khoa học.  

Theo Nhật Mai (GĐVN)