Rã đông thực phẩm sống để chế biến món ăn cho bé đúng cách

Tình trạng các bé dưới 2 tuổi thường bị các vấn đề rối loạn tiêu hóa là do quá trình chế biến, nguyên liệu đã bị nhiễm chéo vi khuẩn. 

Các loại thịt/cá/gia cầm/hải sản sống có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao trong thời gian trưng bày ở siêu thị hoặc ngoài chợ. Do đó, khi mua các sản phẩm này về, nếu không dùng trong 2-3 ngày thì các mẹ nên bỏ vào tủ cấp đông để đông lạnh hoàn toàn.

Quá trình đông lạnh không làm chết vi khuẩn (nếu đã có vi khuẩn tồn tại), nhưng nó sẽ làm vi khuẩn tạm thời ngưng phát triển.

Quá trình rã đông đúng cách là cần thiết để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và bảo toàn chất dinh dưỡng tốt nhất cho bé.

Cách rã đông các thịt sống.

Theo hướng dẫn của Viện nghiên cứu thực phẩm Anh và Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), có 3 cách rã đông các loại thịt/cá/gia cầm/hải sản sống an toàn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng tối đa cho thực phẩm:

Cách 1: Dùng chế độ rã đông bằng lò vi sóng.

Cách này nhanh, nhưng các mẹ phải chế biến ngay sau khi rã đông, không được trễ hơn 20 phút sau khi rã đông.


Rã đông bằng lò vi sóng

Cách 2: Để thực phẩm sống trong ngăn mát tủ lạnh để qua đêm.

Cứ 500g thịt sống là cần 24 tiếng để rã đông hoàn toàn.


Rã đông bằng ngăn mát tủ lạnh

Cách 3: Rã đông trong nước lạnh. 

Cho thực phẩm vào túi nilon vô trùng có khóa, đặt vào tô chứa nước lạnh.

Cứ 30 phút thay nước 1 lần, đến khi thực phẩm rã đông hoàn toàn.

Nguyên tắc thời gian rã đông trong nước lạnh như sau:

-  500g thịt heo bò/cá/gia cầm/hải sản thì rã đông theo cách này 1 tiếng (thay 2 lần thay nước).

- Trên 500g - 2 kg thịt heo bò/cá/gia cầm/hải sản thì rã đông theo cách này 2-3 tiếng (thay 4-6 lần thay nước).

-  Gà nguyên con/cá nguyên con [bỏ đầu và nội tạng]/tôm/cua nguyên con: cứ 500g là cần 30 phút rã đông theo cách này.


Rã đông trong nước lạnh

Với kỹ thuật rã đông được giới thiệu trong bài, chúng tôi hy vọng đã đem đến cho gia đình các bạn một bữa ăn an toàn, chất lượng.

Theo nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)

Xuân Anh Lê ghi (BVPL)