Dùng túi nhựa, hộp nhựa bọc thực phẩm để trong lò vi sóng có thể giải phóng hàng tỷ hạt vi nhựa

Một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Nebraska-Lincol, Mỹ cho biết, hàng tỷ hạt có kích thước nanomet (siêu nhỏ) có thể được giải phóng từ hộp nhựa, túi nhựa vào thực phẩm khi được hâm nóng bằng lò vi sóng.

Một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ, đã tiến hành thí nghiệm đối với các hộp và túi nhựa polypropylene và polyethylene đựng thức ăn cho trẻ em. Hai loại nhựa này đều được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ công nhận là an toàn.

Sau 3 phút được hâm nóng trong lò vi sóng ở công suất 1.000 watt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích thức ăn để tìm hạt vi nhựa và hạt nano vi nhựa. Họ ước tính chỉ trong 3 phút đó, mỗi cm2 nhựa đã giải phóng ra 4,22 triệu hạt vi nhựa và 2,11 tỷ hạt nano vi nhựa.

"Khi chúng ta ăn một loại đồ ăn nào đó, thường chúng ta chỉ được cung cấp thông tin hoặc tự ước tính lượng calo và các chất dinh dưỡng khác nạp vào cơ thể, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng không kém là chúng ta cần biết lượng hạt nhựa có trong thức ăn đó", kỹ sư Kazi Husain, chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, nhận định.

Dùng lò vi sóng để hâm nóng nước và các sản phẩm từ sữa đựng trong đồ chứa bằng nhựa làm tăng khả năng thức ăn bị nhiễm vi nhựa. Hạt nhựa luôn luôn được giải phóng ngay cả ở điều kiện nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh, nhưng ít hơn nhiều so với khi dùng trong lò vi sóng.

dung-tui-nhua-hop-nhua-boc-thuc-pham-de-trong-lo-vi-song-co-the-giai-phong-hang-ty-hat-vi-nhua

 Túi nhựa, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm cho vào lò vi sóng có thể giải phóng hàng tỷ hạt vi nhựa gây hại. Ảnh minh họa

Hiện các nhà khoa học chưa rõ mức độ độc hại của vi nhựa đối với cơ thể con người đến đâu, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy nhiễm độc vi nhựa có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa và các quá trình sinh học quan trọng khác trong cơ thể.

Điều chắc chắn là càng ăn ít đồ ăn chứa trong hộp, túi nhựa thì càng an toàn. Thí nghiệm cho tế bào thận nuôi cấy tiếp xúc với hạt nhựa ở mức độ giống như trong lò vi sóng cho thấy nguy cơ đáng lo ngại. Nhóm nghiên cứu nhận thấy 77% các tế bào thận tiếp xúc với nhựa ở mức độ cao đều bị chết.

Mặc dù điều này không nói lên rằng thận của chúng ta cũng có nguy cơ phơi nhiễm với nhựa ở mức độ cao như vậy, nhưng cũng nói lên rằng hoàn toàn có nguy cơ độc hại khi bị nhiễm vi nhựa và nano vi nhựa, cụ thể là với những bộ phận hay cơ thể đang trong quá trình phát triển.

Trong khi chờ có thêm kết quả nghiên cứu và thí nghiệm về mức độ gây hại của hạt nhựa khi chúng nhiễm vào cơ thể, chúng ta nên biết rõ rằng đây là một vấn đề cần được quan tâm. Sự phụ thuộc của chúng ta vào đồ chứa bằng nhựa trong sinh hoạt hàng ngày có thể gây ra những hiểm họa nếu hạt vi nhựa nhiễm vào cơ thể.

Liên quan tới tác hại của hạt vi nhựa, theo bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, hạt vi nhựa có thể dễ dàng gây ảnh hưởng trực tiếp tới chuyển hóa bằng cách làm biến đổi enzyme chuyển hóa hoặc gây mất cân bằng năng lượng.

Hạt vi nhựa được báo cóa làm rối loạn hệ miễn dịch sau khi tiếp xúc. Việc phơi nhiễm với các hạt vi nhựa ngoài môi trường có thể gây suy yếu hệ miễn dịch ở những cá nhân dễ bị ảnh hưởng, dẫn đến các bệnh tự miễn hoặc ức chế miễn dịch. Hạt vi nhựa có khả năng biến đổi chức năng miễn dịch của con người tuy nhiên điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Hạt vi nhựa có thể di cư đến những mô xa nhờ hệ tuần hoàn. Hạt vi nhựa có mặt trong hệ tim mạch gây ra phản ứng viêm, gây độc tế bào máu, phù mạch, tắc nghẽn và tăng áp lực động mạch phổi. Hạt vi nhựa còn có thể tham gia vào quá trình sản sinh histamine.

Quy chuẩn quốc gia QCVN 12-1:2017/BYT- Về mức giới hạn an toàn đối với dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng làm bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và bao bì chứa đựng sữa.

Quy chuẩn trên quy định đối với dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng bằng nhựa có cấu tạo bởi hai loại nhựa trở lên và/hoặc có nhiều bộ phận được làm từ nhiều loại nhựa khác nhau, các chỉ tiêu an toàn được xác định như sau:

Các chỉ tiêu tương ứng đối với các loại nhựa được quy định tại các Phụ lục 1 đến Phụ lục 14 kèm theo Quy chuẩn này. Trường hợp các chỉ tiêu an toàn trùng lặp, thì mức giới hạn tối đa cho phép được áp dụng theo mức thấp hơn.

Đối với dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng được làm từ nhựa chưa được quy định từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 13 kèm theo Quy chuẩn này, mức giới hạn an toàn theo quy định tại Phụ lục 14 kèm theo Quy chuẩn này.

Cơ sở sản xuất dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng bằng nhựa và bao bì chứa đựng sữa phải tuân theo các yêu cầu được quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Các sản phẩm dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng bằng nhựa và bao bì chứa đựng sữa nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh lưu hành tại Việt Nam phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.

Trình tự, thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 11 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.

Việc ghi nhãn dụng cụ, bao bì, đồ chứa đựng bằng nhựa và bao bì chứa đựng sữa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản khác có liên quan.

Theo VietQ