Sụt 10 kg trong 3 tháng, cảnh báo căn bệnh cả triệu người Việt đang mắc



Đó là trường hợp của bác D.H.S, 60 tuổi, Bắc Giang, sụt 10 kg sau 3 tháng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, khát nước, tiểu nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra.

Tại đây, bác được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện làm các xét nghiệm cận lâm sàng gồm: Siêu âm ổ bụng tổng quát, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nước tiểu, men gan, xét nghiệm đường máu,...

Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tiểu đường type II, đường huyết cao trên 38mmol/l, rối loạn điện giải, suy thận cấp.

Theo ThS. BS Nguyễn Thị Quỳnh Xuân cho biết, trường hợp của bệnh nhân này, do đường huyết cao dẫn đến mất nước thẩm thấu qua nước tiểu, biểu hiện bằng triệu chứng khát nước nhiều, da khô, tiểu tiện nhiều lần. Hậu quả của tình trạng mất nước nhiều chính là rối loạn nước điện giải, suy thận cấp, thậm chí tử vong.

Vì vậy, ngay khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định xử trí ban đầu tiêm liều bolus Insulin Regular theo cân nặng, sau đó duy trì insulin theo bơm tiêm điện và truyền dung dịch Natri Clorid đẳng trương. Bệnh nhân được kiểm tra đường máu mỗi giờ một lần, sau 03 giờ, đường huyết của bệnh nhân đã giảm xuống còn 15.6 mmol/l và đỡ khát, đỡ mệt. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị theo BHYT.

Sụt 10 kg trong 3 tháng, cảnh báo căn bệnh cả triệu người Việt đang mắc - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Với con số trên, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật tại Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Hiện Việt Nam có hơn 3,5 triệu người bị đái tháo đường.

ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân cho biết, hầu hết người bị tiểu đường không biết rằng mình đang mắc căn bệnh này, trong đó có đến 85% trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã có những biến chứng của đái tháo đường.

Nguyên nhân do bệnh đái tháo đường là một quá trình diễn biến lâu dài với những biểu hiện không điển hình nên rất khó nhận biết. Số đông bệnh nhân chỉ biết được sự tồn tại của bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám một bệnh lý nào khác.

Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt như sụt cân nhiều, mất nước, mệt mỏi mới đến viện thăm khám như bệnh nhân S. không phải là hiếm gặp. Nếu bệnh nhân đến viện muộn chút nữa có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Bệnh đái tháo đường thường diễn biến rất thầm lặng, nếu không được kiểm soát tốt bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như - rối loạn điện giải, nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu và hạ đường huyết, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa,...

Dấu hiệu đái tháo đường

ThS Xuân khuyến cáo người dân, khi xuất hiện các dấu hiệu như - mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đi tiểu nhiều, cần chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện. Vì vậy, để làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, người dân cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau - ăn nhiều rau củ, quả;  hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều tinh, tránh ăn nhiều nội tạng động vật, duy trì luyện tập thể dục hàng ngày.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh, 6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ và điều trị thường xuyên đối với người đã mắc bệnh là rất quan trọng.

Theo Infonet

Theo GiaDinh