"Tâm dịch" Covid-19 Đà Nẵng: 3 ngày đi chợ một lần có gì mà ầm ĩ!

Buổi sáng mới mở máy ra nhận được tin nhắn của người chị: " Em ơi, sáng nay chị đi cách ly, chị F1 rồi!".

Trưa trên Facebook người bạn thông báo, cả nhà anh từ mẹ già đến cháu nhỏ 6 người đi cách ly vì vợ anh dương tính với virus SAR-CoV-2... Rồi khối phố này, con phố kia bị phong tỏa.

Ở Đà Nẵng những ngày này, chuyện F1, F2 đã trở thành bình thường. Các ca dương tính tăng chóng mặt. Người nhiễm Covid-19 cũng bàng hoàng khi nhận kết quả. Không ai nghĩ có ngày mình lại bị dính vào. Không biết lúc nào mình bị gọi tên vào danh sách đó.

Tôi cũng vừa tự cách ly 14 ngày sau khi có thông tin về một ca dương tính đi chợ mới vào ngày 22-7, đúng thời điểm tôi cũng có mặt tại chợ. May mắn qua 14 ngày, tôi không có biểu hiện ho sốt. Có lẽ do tôi đã đeo khẩu trang và mặc áo chống nắng khi vào chợ.

tam-dich-covid-19-da-nang-3-ngay-di-cho-mot-lan-co-sao-dau

Tiểu thương chợ Cồn (Đà Nẵng) mặc áo cờ đỏ sao vàng thể hiện quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh: BÍCH VÂN

Ở Đà Nẵng, nơi tụ tập đông người là nơi dễ lây lan dịch bệnh nhất. Khi vào chợ, ai cũng như ai, san sát bên nhau mua bán, chẳng biết ai dương tính, ai F1, ai F2...

Sáng chủ nhật, tôi đi chợ gần nhà. Chợ này cách đây 1 tuần có một bệnh nhân dương tính đã đi chợ mua đồ ăn. Quanh khu chợ được chăng dây, chừa 1 cổng đi vào, có 2 anh dân phòng cầm chai nước xịt khuẩn xịt vào tay người vào chợ. Chợ không tấp nập như trước khi có dịch, nhưng người mua bán vẫn rất đông. Ai cũng bịt khẩu trang nhưng việc cách nhau 1 m cũng khó. 

Tôi ghé vào hàng rau. Thấy có người đang mua, tôi cố đứng cách xa đợi người kia mua xong sẽ vào mua, thì có 2, 3 người khác chen vào lựa rau và mua. Sang hàng thịt và hàng cá cũng thế. Đôi khi để trả giá hoặc trao đổi giữa người mua, người bán, người ta kéo khẩu trang xuống cằm nói chuyện.

Bình thường chưa dịch, một tuần tôi đi chợ 1 lần, mua thịt, cá, rau, củ cho cả nhà 6 người. Tôi chia thịt cá vào những chiếc hộp nhựa, tôm chia thành từng gói nhỏ nấu canh bỏ vào ngăn đá. Rau, củ để vào ngăn mát. Giữa tuần thiếu gì có thể chạy ra siêu thị mua bổ sung. Nhưng giờ dịch bệnh, tôi mua đồ nhiều lên chút. Hai tuần tôi mới đi chợ một lần.

Không chỉ tôi, những người nội trợ cùng trang lứa cũng đi chợ tuần 2 lần cho bữa ăn gia đình. Thực sự đi chợ như thế vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm thời gian, nhất là trong lúc dịch bệnh  thế này. 

Đà Nẵng đang là tâm dịch, việc lây lan của dịch bệnh thường xảy ra ở những trường hợp tiếp xúc gần mà không có sự phòng tránh thích hợp.

Chợ là nơi tiếp xúc gần của rất nhiều người, nhất là những người phụ nữ nội trợ, bận rộn và vội vã, có thể trễ nải một chút phòng bệnh là mang mầm bệnh về cho cả gia đình. Theo thống kê lần dịch bệnh thứ hai này, tỉ lệ các gia đình mà mọi người trong nhà đều bị nhiễm virus cao hơn lần trước.

Thông tin về việc Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân, mỗi gia đình 3 ngày mới được đi chợ 1 lần. Đó là việc cần thiết để hạn chế việc lây lan của dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ mỗi gia đình và mỗi người dân.

Chỉ cần sắp xếp thời gian, tính toán hợp lý một chút thì việc đi chợ 3 ngày 1 lần với mỗi gia đình cũng dần trở thành một thói quen tốt. Tuy nhiên, các chợ cũng nên kiểm soát chặt chẽ hơn việc giãn cách các gian hàng trong mùa dịch, kiểm soát, nhắc nhở người mua về cự ly giãn cách, bảo đảm an toàn cho người đi chợ, người bán hàng.

Thực hiện tốt điều này là mỗi người đã chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Theo NLD

----

Xem thêm:

Đà Nẵng tính phương án phát phiếu, dân 2-3 ngày đi chợ một lần để phòng dịch

Thông tin này được ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết sáng 10-8. Do việc phòng dịch ở chợ tương đối phức tạp nên ông đã yêu cầu Sở Công thương tính toán tìm cách để người dân 2-3 ngày mới đi chợ một lần.

da-nang-tinh-phuong-an-phat-phieu-dan-2-3-ngay-di-cho-mot-lan-de-phong-dich

Người dân đi mua thực phẩm ở một cửa hàng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong buổi đến làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Đà Nẵng) sáng 10-8, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết hôm qua một mình ông đánh xe đi quanh thành phố trong nhiều thời điểm để "coi thử" tình hình người dân thành phố thực hiện Chỉ thị 16.

"Mới chỉ tàm tạm thôi chưa tốt lắm vì có lúc vắng, có lúc đông. Đặc biệt ở chợ tương đối phức tạp nên tôi đã yêu cầu Sở Công thương làm thế nào để người dân 2-3 ngày đi chợ một lần nên mới nghĩ ra phương pháp đi chợ chẵn lẻ, phát phiếu để hạn chế đến chợ", ông Thơ nói.

Theo ông Thơ, hiện nay thành phố đang nghĩ đến các biện pháp quản lý để người dân chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết chứ "chưa tính đến việc phong tỏa cả thành phố".

Ông Thơ khuyến cáo trong những ngày tới, nếu tình hình khác đi thì sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh hơn nữa. Do vậy bà con nhân dân phải chấp hành thật tốt việc cách ly xã hội, đồng thời phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nếu có diễn biến xấu có thể thực hiện phong tỏa.

da-nang-tinh-phuong-an-phat-phieu-dan-2-3-ngay-di-cho-mot-lan-de-phong-dich

Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng ở Đà Nẵng trong mùa dịch - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý người dân đi chợ, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết để thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, sở đã có đề xuất mỗi hộ gia đình ở thành phố 3 ngày đi chợ một lần.

Theo phương án đề xuất chưa được thông qua này, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn theo phương án mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 phiếu vào chợ/tháng. Triển khai đến UBND các phường, xã in ấn phiếu vào chợ theo màu sắc khác nhau để phân biệt ngày, gửi đến các hộ gia đình trên địa bàn.

Phiếu vào chợ chỉ có giá trị sử dụng một lần/ngày/chợ và các ban quản lý chợ sẽ thu phiếu khi người dân vào chợ. Các ban quản lý chợ có trách nhiệm lưu phiếu theo ngày để phục vụ cho quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Trường Trung

Theo Tuổi trẻ