Thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Nhiều cơ hội nhưng dễ "trượt oan"

Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 được đánh giá có nhiều cơ hội hơn cho các thí sinh so với các năm trước. Tuy nhiên, việc thay đổi quá nhiều trong lựa chọn môn thi, đăng ký xét tuyển, cho nên nếu thí sinh không cân nhắc kỹ dễ bị “trượt oan”.

“Tham” thì… dễ trượt

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017 với nhiều điểm đổi mới so với kỳ thi năm 2016, nhiều phụ huynh và học sinh đã cảm thấy kỳ thi sắp tới mỗi thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước, nhất là việc được đăng ký cả hai tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để dự thi, điểm thi của tổ hợp môn nào cao hơn sẽ lấy làm căn cứ để xét tốt nghiệp. Đặc biệt, thi nhiều môn sẽ là lợi thế để thí sinh sử dụng từng môn thành phần tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Nhiều cơ hội nhưng dễ

Sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. Ảnh minh họa: Q.Anh

Tuy nhiên, lợi thế nói trên cũng là một thách thức đối với các thí sinh, bởi nếu đăng ký thi toàn bộ các môn, thí sinh sẽ phải thi tổng cộng 9 môn, thí sinh dễ bị trượt chỉ vì quá ôm đồm.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này nhằm khuyến khích các thí sinh dự thi thêm các môn, hướng tới học toàn diện, khắc phục dần tình trạng học lệch. Việc lấy điểm bài thi cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp là để đảm bảo quyền lợi cho các em.

“Trường hợp nếu thí sinh bỏ một môn thành phần của bài thi Tự nhiên hoặc Xã hội thì môn đó bị điểm 0 (điểm liệt). Nếu đăng ký thi bài thi tổ hợp này để xét công nhận tốt nghiệp thì sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước, dự thi lấy kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi Tự nhiên hay Xã hội phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành của các trường ĐH, CĐ”, ông Mai Văn Trinh chia sẻ thêm.

Ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017 cũng dự kiến nhiều thay đổi trong công tác tổ chức thi so với mọi năm, nếu thí sinh không nắm bắt cũng dễ vi phạm quy chế. Cụ thể, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm để đảm bảo an toàn, nghiêm túc của kỳ thi; Thí sinh tự do đã tốt nghiệp được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc Sở GD&ĐT quyết định; Thí sinh hệ GDTX được bố trí phòng thi riêng…

Xét tuyển ĐH chung cả nước

Để xét tuyển ĐH, CĐ 2017, thí sinh sau khi trải qua kỳ thi THPT Quốc gia và được công nhận tốt nghiệp, sẽ được cấp giấy báo điểm để tham gia xét tuyển. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, dự kiến cả nước sẽ sử dụng chung một nguồn dữ liệu. Theo đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cho biết, các trường đại học trên cả nước xét tuyển chung trên cơ sở dữ liệu do Bộ quản lý sẽ không còn tình trạng thí sinh “ảo”. Thí sinh điểm cao sẽ đỗ vào nguyện vọng cao hơn, không có chuyện điểm cao thì trượt, còn người điểm thấp hơn lại đỗ như năm 2016.

Theo dự kiến, các thí sinh sẽ được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển ở nhiều trường (thay vì chỉ 2 trường với 4 nguyện vọng như năm 2016), nhưng buộc phải lựa chọn từ khi đăng ký nguyện vọng. Thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng của mình từ cao xuống thấp theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh đủ điểm chỉ có thể trúng tuyển duy nhất một ngành của một trường có điểm chuẩn gần nhất với điểm thi của thí sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Trường hợp đến khi thông báo điểm, thí sinh không muốn lựa chọn nguyện vọng như lúc đăng ký, các em có thể không nộp giấy chứng nhận kết quả thi trong đợt đầu và chờ các đợt xét tuyển bổ sung. Đồng thời, các trường cũng sẽ tham gia cùng Bộ để điều chỉnh trong quá trình chạy phần mềm dữ liệu để chọn ra số lượng thí sinh trúng tuyển để tránh “ảo”. Các trường công an, quân đội, nếu lấy kết quả thi THPT Quốc gia thì cũng sẽ cùng chung một phần mềm xét tuyển như tất cả các trường đại học khác”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý, thí sinh khi trúng tuyển phải xác nhận nhập học vào trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển chung theo phương thức trực tuyến hay gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh. Quá thời hạn này, những thí sinh đã trúng tuyển mà không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học. Thí sinh đã xác nhận nhập học ở một trường sẽ không còn được thay đổi nguyện vọng.

Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức hằng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT. Năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.

Theo GĐ