Thủ tục cấp giấy phép lái xe theo quy định mới nhất người dân cần biết để thực hiện

Giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ quan trọng của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Vậy thủ tục cấp giấy phép lái xe cần thực hiện những quy trình nào?

Giấy phép lái xe do cơ quan nào cấp?

Giấy phép lái xe (bằng lái xe) là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên đường bộ.

Căn cứ Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe gồm:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.

- Sở Giao thông vận tải: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tục cấp giấy phép lái xe được quy định thế nào?

Hồ sơ cần chuẩn bị cấp giấy phép lái xe

Theo Khoản 1, Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, hồ sơ thi bằng lái xe bao gồm các giấy tờ:

- Hồ sơ của người học lái xe:

Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu.

Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.

Giấy khám sức khỏe của người lái xe.

- Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C.

- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.

Lệ phí phải đóng cấp giấy phép lái xe

Theo Thông tư số 188/2016/TT-BTC, khi thi sát hạch cấp bằng lái xe, mỗi học viên phải đóng lệ phí thi và lệ phí cấp giấy phép lái xe. Cụ thể như sau:

Lệ phí thi sát hạch bằng lái xe hạng A1, A2, A3, A4

+ Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần.

+ Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

Lệ phí thi sát hạch bằng lái xe hạng B1, B2, C, D, E, F

+ Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần.

+ Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần.

+ Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

+ Lệ phí cấp giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.

Độ tuổi nào được đăng ký thi giấy phép lái xe theo quy định?

GĐXH - Hiện nay, nhu cầu tham gia giao thông bằng xe máy và ô tô rất phổ biến ở Việt Nam. Một trong những điều kiện bắt buộc là phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe. Vậy độ tuổi nào được thi bằng lái xe theo quy định?

thu-tuc-cap-giay-phep-lai-xe-theo-quy-dinh-moi-nhat-nguoi-dan-can-biet-de-thuc-hien

Để được cấp giấy phép lái xe, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định. Ảnh: TL

Đổi giấy phép lái xe ở đâu

Người đổi giấy phép lái xe có thể lựa chọn nộp hồ sơ đổi GPLX tại một trong những địa điểm sau:

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp GPLX;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT nơi sinh sống, đang ở, làm việc;

- Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi sinh sống, đang ở, làm việc;

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Thời hạn có kết quả thi giấy phép lái xe

Kết quả thi sát hạch lái xe ô tô sẽ có ngay sau khi kết thúc bài thi. Người được đạt kết quả kỳ sát hạch sẽ được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển.

Căn cứ Khoản 3, Điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cá nhân vượt qua kì thi sát hạch lái xe sẽ được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

Đối tượng, trường hợp được cấp giấy phép lái xe mới

- Giấy phép lái xe bằng giấy bìa hoặc GPLX bằng nhựa PET nếu bị mất, hư hỏng, hết thời hạn hoặc bị thay đổi, sai thông tin thì sẽ được cấp đổi sang GPLX bằng nhựa theo mẫu mới, có mã QR.

- Giấy phép lái xe cũ còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục sử dụng bình thường, không bắt buộc phải đổi. GPLX không thời hạn (A1, A2, A3) được khuyến khích thực hiện đổi sang mẫu mới. Nếu đang sử dụng mẫu cũ thì khi cần đổi không buộc phải thi lại lý thuyết.

- Khi đổi GPLX ô tô (GPLX có thời hạn) thì trong hồ sơ xin cấp đổi phải có giấy khám sức khỏe. Còn nếu cấp lại giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, A3 (GPLX không thời hạn) thì không cần phải có giấy khám sức khỏe.

- Người có giấy phép lái xe còn thời hạn hoặc quá hạn sử dụng dưới 03 tháng thì được đổi lại GPLX mà không phải thi lại. Nếu bằng lái quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm phải đi thi sát hạch lại lý thuyết thì mới được cấp lại. Nếu quá hạn 01 năm trở lên, phải thi sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Muốn đổi giấy phép lái xe khác tỉnh được không?

Theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, được đổi giấy phép lái xe tại một tỉnh khác với tỉnh đang có hộ khẩu thường trú, tức là nơi đang cư trú, tạm trú đều được.

Thủ tục đổi giấy phép lái xe tại tỉnh khác cụ thể như sau:

Người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm các giấy tờ sau:

Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu.

Bản sao giấy phép lái xe.

Không bắt buộc phải có hồ sơ gốc (nếu có thì cầm theo), không cần phải có giấy khám sức khỏe đối với giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3.

Người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe đến Sở Giao thông Vận tải nơi đang sinh sống, làm việc, công tác (không phải quay về lại Sở Giao thông vận tải nơi trước kia đã cấp giấy phép lái xe) nộp bộ hồ sơ trên, xuất trình giấy phép lái xe, giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân để đối chiếu, đóng lệ phí 135.000 đồng.

Bộ phận cấp đổi giấy phép lái xe sẽ tiến hành chụp ảnh tại chổ để in vào GPLX mẫu mới, cắt góc GPLX cũ và trả lại cho người lái xe tự bảo quản, viết phiếu hẹn lấy GPLX (trong vòng 5 ngày làm việc).

Đúng ngày hẹn đến Sở GTVT, xuất trình CMND và lấy GPLX mẫu mới.

Đổi giấy phép lái xe khác tỉnh cần lưu ý điều gì?

- Người có nhu cầu đổi có thể đổi giấy phép lái xe các hạng tại bất kỳ Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành nào nếu thấy thuận tiện.

- Người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe phải trực tiếp đi làm vì có liên quan đến việc chụp ảnh chân dung để in trên bằng lái và hiện tại chưa có quy định về việc ủy quyền cho người khác để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe.

thu-tuc-cap-giay-phep-lai-xe-theo-quy-dinh-moi-nhat-nguoi-dan-can-biet-de-thuc-hien

Người dân có thể đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Ảnh minh họa: TL

Trường hợp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cần thực hiện những bước gì?

Cách đăng ký đổi giấy phép lái xe (bằng lái xe) ô tô, xe máy trực tuyến online là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phương thức này cho phép người có nhu cầu đổi GPLX kê khai trực tuyến thông tin trên cổng dịch vụ công, đính kèm file hồ sơ, giấy khám sức khỏe, tiến hành thanh toán lệ phí online để nhận GPLX ngay tại nhà, không cần phải đi đến Sở GTVT để làm thủ tục như trước.

Yêu cầu, chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe trực tuyến qua mạng

- Có tài khoản dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản định danh điện tử VneID.

- Có giấy khám sức khỏe lái xe điện tử do cơ sở khám chữa bệnh cấp hoặc file PDF của giấy khám sức khỏe lái xe được chứng thực điện tử (là giấy khám sức khỏe được chứng thực điện tử tại UBND xã/phường trên Cổng dịch vụ công Quốc gia). Nếu đổi GPLX hạng A1, A2, A3 thì khỏi cần giấy này.

File scan màu 2 mặt của giấy phép lái xe đang sử dụng, có định dạng file PDF hoặc .docx (file Word).

File scan màu 2 mặt của CMND/CCCD, định dạng file PDF hoặc .docx (file Word).

Chi tiết các bước đổi giấy phép lái xe như sau:

Bước 1. Vào trang web đổi giấy phép lái xe trực tuyến và đăng nhập bằng tài khoản Dịch vụ công Quốc gia.

Người có nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe (mức độ 4: đổi GPLX hoàn toàn trực tuyến) truy cập vào "Cổng dịch vụ công trực tuyến" của Cục Đường bộ Việt Nam theo liên kết sau : https://dvc4.gplx.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html. Bấm chọn ô Đổi giấy phép lái xe (hoặc truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập từ khóa "đổi giấy phép lái xe" vào ô tìm kiếm).

Tại giao điện tiếp theo, tiến hành đăng nhập bằng tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc bằng tài khoản Định danh điện tử (VneID) cấp bởi Bộ Công an.

Lưu ý: Thông tin tài khoản đăng nhập để đổi GPLX phải trùng với thông tin trên Giấy phép lái xe cần đổi.

Bước 2. Chọn cơ quan tiếp nhận đổi giấy phép lái xe, tra cứu và bổ sung thông tin GPLX

Sau khi đăng nhập thành công, tại giao diện hiển thị tiếp theo, ở mục "Thông tin chung" chọn: Cơ quan tiếp nhận, Địa điểm tiếp nhận và Lý do cấp đổi (hiện chỉ áp dụng cho 3 trường hợp: Đổi GPLX cho phù hợp với năm sinh, tên đệm trong CMND/CCCD; GPLX bị hỏng hoặc GPLX đến hạn đổi).

Tiếp đến, trong mục "Thông tin người lái xe", nhập số giấy phép lái xe, gồm 12 chữ số vào ô GPLX. Sau đó bấm vào nút Tra cứu.

Sau khi bấm nút Tra cứu, hệ thống sẽ tự động tra cứu từ cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông đường bộ của Cục CSGT và Thanh tra giao thông và thông báo cho bạn biết là GPLX có bị các cơ quan này tước hay tạm giữ hay không. Nếu không thì sẽ thông báo bạn có thể thực hiện các bước tiếp theo. Sau đó sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin cá nhân của người có GPLX (họ tên, ngày sinh, số CMND/CCCD, nơi cư trú, thường trú) và thông tin liên quan đến GPLX đang sử dụng (số GPLX, ngày cấp, ngày hết hạn, hạng GPLX...).

Nếu khi đổi GPLX mà thông tin trên GPLX có sự thay đổi (ví dụ: đổi từ CMND sang CCCD hoặc đổi nơi thường trú) thì nhấp chọn vào các mục tương ứng trong mục Thông tin yêu cầu thay đổi rồi nhập các thông tin cần bổ sung, cập nhật vào các ô.

Bước 3. Nhập thông tin sức khỏe của người lái xe

Tiếp theo, tại mục "Thông tin sức khỏe người lái xe", click chọn ô "Sử dụng giấy khám sức khỏe điện tử" hoặc ô "Sử dụng giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử".

Nếu chọn hình thức "Sử dụng GKSK điện tử": nhập số giấy khám sức khỏe vào ô rồi bấm Tìm kiếm. Hệ thống sẽ kiểm tra và tự động hiển thị thông tin sức khỏe người lái xe.

Nếu chọn hình thức "Sử dụng GKSK chứng thực điện tử": Chọn file Giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử (file định dạng PDF, kích thước không quá 10MB) lưu trên máy tính hoặc điện thoại rồi tải lên để hệ thống kiểm tra và hiển thị thông tin sức khỏe của người lái xe.

Bước 4: Tải lên ảnh chụp chân dung để in trên GPLX

Chọn và tải lên hệ thống file ảnh chụp chân dung theo đúng yêu cầu (cỡ ảnh 3x4 cm, phông nền màu xanh; sử dụng trang phục tránh màu trắng, đen...). Ảnh này được sử dụng để in trực tiếp lên giấy phép lái xe. Để xem yêu cầu về ảnh chụp đạt chuẩn, bấm vào dòng Xem chi tiết > trong mục Ảnh chân dung.

Bước 5: Tải file ảnh màu GPLX và CMND/CCCD lên Cổng dịch vụ công

Chọn file ảnh Giấy phép lái xe và ảnh CMND/Căn cước công dân (đã scan chuẩn bị sẵn) rồi tải lên hệ thống. Lưu ý: Mỗi loại giấy tờ là 01 file scan đầy đủ 2 mặt, có màu, định dạng file .pdf hoặc .docx (file Word 2007 trở lên), kích thước không quá 10MB/file.

Bước 6. Kiểm tra, bổ sung thông tin; cam kết và nộp trực tuyến hồ sơ đổi GPLX

Kiểm tra lại toàn bộ thông tin đã kê khai ở các bước nêu trên, bổ sung thêm số điện thoại di động, địa chỉ email để hệ thống thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ. Tiếp đến, nhấp chọn vào ô "Tôi cam kết giấy phép lái xe yêu cầu đổi hiện tại không bị tước hoặc bị tạm giữ do vi phạm giao thông. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã kê khai". Bấm vào nút Tiếp tục.

Bước 7. Chọn hình thức thanh toán và nhận GPLX, khai báo địa chỉ nhận GPLX

Bấm chọn hình thức nhận GPLX là Thanh toán và nhận kết quả tại nhà. Sau đó, kê khai chính xác địa chỉ nhà nơi sẽ nhận được GPLX, rồi bấm chọn nút Thanh toán và nộp hồ sơ.

Bước 8. Chọn hình thức thanh toán lệ phí đổi GPLX trực tuyến

Tại giao điện tiếp theo, chọn hình thức thanh toán lệ phí trực tuyến bằng tài khoản ngân hàng hoặc bằng ví điện tử, rồi tiến hành các bước thanh toán. Lệ phí cấp đổi GPLX là 135.000 đồng.

Sau khi hoàn thành việc thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông báo nộp hồ sơ thành công, trong đó có mã hồ sơ (dùng để tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ). Bấm "Tải biên lai" để tải file biên lai nộp lệ phí về máy để đối chiếu khi cần.

Đồng thời, sau khi nộp hồ sơ thành công, hoặc hồ sơ được xử lý thì bạn sẽ nhận được email thông báo từ Cổng dịch vụ công.

Bước 9. Tra cứu, theo dõi kết quả giải quyết cấp GPLX

Bấm vào tên tài khoản, chọn mục Thông tin cá nhân để tra cứu tiến độ giải quyết cấp GPLX.

Lưu ý: Có thể dùng mã hồ sơ để tra cứu tiến độ giải quyết cấp GPLX trong thẻ Tra cứu hồ sơ trên trang chủ của Cổng dịch vụ công. Nếu kết quả hồ sơ ghi "Đã tiếp nhận" có nghĩa là bạn đã hoàn thành việc nộp hồ sơ cấp giấy phép lái xe qua mạng.

Một số lưu ý khi làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến qua mạng

- Để đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 (nhận GPLX tại nhà) cần phải có giấy khám sức khỏe điện tử. Người làm thủ tục đổi giấy phép lái xe nên đi khám sức khỏe tại các bệnh viện uy tín được cấp giấy khám sức khỏe điện tử theo quy định.

- Người đổi GPLX phải có tài khoản ngân hàng hỗ trợ Internet/mobile banking hoặc có tài khoản ví điện tử để thanh toán lệ phí trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

- Hiện nay toàn bộ các Sở GTVT các tỉnh, thành trên toàn quốc đã áp dụng thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe online qua mạng ở mức độ 4.

Theo GiaDinh