Tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang: Vì sao kỹ thuật hiện đại vẫn "bó tay"?

Vụ việc nâng điểm ở Hà Giang cho thấy, Kỳ thi THPT quốc gia có những ưu điểm, áp dụng kỹ thuật hiện đai nhưng để vừa xét tốt nghiệp vừa vào đại học vẫn lộ những bất cập, nảy sinh tiêu cực.

Trong những năm gần đây, việc Bộ GD&ĐT thực hiện gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu vào đại học thành một kỳ thi chung (Kỳ thi THPT Quốc gia) đã tiết kiệm nhiều ngân sách cho quốc gia và tránh áp lực cho các thí sinh nói riêng và xã hội nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó có thể thấy kỳ thi này hiện nay bộc lộ nhiều bất cập trong việc đánh giá năng lực riêng của mỗi em. Việc chỉ dùng duy nhất điểm thi tốt nghiệp cấp ba để làm cơ sở cho đầu vào các trường đại học, cao đẳng sẻ khó khách quan và chính xác.

Trong việc tổ chức thi và chấm thi tại địa phương, dù rằng tiết kiệm được thời gian và tiền bạc nhưng việc đảm bảo tính khách quan và trung thực cho kỳ thi rất khó. Bởi lẽ có thể xảy ra tình trạng tỉnh nào cũng mong muốn tỷ lệ học sinh của mình đạt kết quả để lấy thành tích.

Hơn nữa, dù rằng có được số hóa trong kiểm tra và chấm thi thì con người củng là yếu tố quyết định. Vì vậy, kỳ thi trở thành một trò may rủi cho các thí sinh. Vụ việc xảy ra ở Hà Giang là một ví dụ.

Tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang: Vì sao kỹ thuật hiện đại vẫn

Phổ điểm cao môn Toán ở Hà Giang cho thấy sự bất thường trong chấm thi.

Có thể thấy, việc dùng điểm một kỳ thi làm cơ sở để xét tốt nghiệp THPT và xét đầu vào đại học như thời gian qua là thiếu khách quan và chính xác. Nó bỏ qua mất quá trình nỗ lực của các em trong suốt ba năm cấp ba. Theo tôi, chúng ta nên xét tốt nghiệp THPT cho các em cần phải dựa trên điểm học bạ ở mỗi môn của các em đã đạt được trong ba năm các em đã phấn đấu.

Ở các nước giáo dục tiên tiến như Australia, tại quốc gia này, cấp ba của học sinh chỉ gồm hai lớp 11 và 12. Năm lớp 12 các em chỉ học 5 môn tự chọn phù hợp với mong muốn và nguyện vọng mà các em muốn vào ngành mình lựa chọn để học đại học. Bằng tốt nghiệp cấp ba gọi chung là SSCE (Senior secondary certificate of education) - chứng chỉ tốt nghiệp giáo dục THPT.

 

Tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang: Vì sao kỹ thuật hiện đại vẫn

Phổ điểm và sơ đồ điểm các môn thi ở Hà Giang cho thấy có nhiều thí sinh đạt điểm 9 trở lên.

Việc xét tốt nghiệp cấp ba thì do mỗi tiểu bang đưa ra mỗi quy định. Ví dụ, ở bang New South Wales (NSW) thì gọi là chứng chỉ trung học High School Certificate (HSC). Nhưng bằng ở mỗi bang đều được công nhận trên toàn quốc. Việc xét tốt nghiệp cấp ba và xét tuyển đầu vào đại học được dựa trên kết quả hai năm cấp ba và điểm thi cuối kỳ lớp 12 được xem là kỳ thi tốt nghiệp cấp ba.

Cụ thể, điểm tốt nghiệp cấp ba = 50% điểm của trường đánh giá cho môn học của học sinh và 50 % điểm của kỳ thi tốt nghiệp. Như vậy, với việc dựa trên hai kết quả này để đánh giá năng lực của mỗi học sinh đảm bảo được tính khách quan và độ chính xác cao cho việc xét tuyển tốt nghiệp và đầu vào đại học của các em.

Tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang: Vì sao kỹ thuật hiện đại vẫn

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle, Australia.

Bên cạnh đó, việc xét tốt nghiệp cấp ba và xét đầu vào đại học là do hai cơ quan khác biệt thực hiện. Ở bang New South Wales, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục NSW Education Standard Authority ra đề thi, chấm thi, báo điểm từng môn và cấp bằng tốt nghiệp cấp ba. Còn Trung tâm tuyển dụng đại học Universities Admissions Centre sẽ tính điểm vào đại học và gửi thư mời nhập học cho các thí sinh.

Các học sinh giữa kỳ lớp 12 sẽ vào Website của Ủy ban xét tuyển đại học để đăng ký nguyện vọng của mình từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 10. Rõ ràng, việc tổ chức thi và lấy kết quả học tập của các em hạn chế được các tiêu cực, đảm bảo tính khách quan và chính xác trong việc đánh giá năng lực của các em.

Vì vậy, việc đánh giá năng lực của học sinh chỉ qua một kỳ thi như kỳ thi THPT quốc gia vừa tạo ra áp lực lớn cho các em vừa không khách quan và công bằng thậm chí khó tránh được tiêu cực dù nó được áp dụng bằng các máy móc và kỹ thuật hiện đại.

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền

(Nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle, Australia)

Theo GiaDinh