TP.HCM: Sẽ bêu tên người tiểu bậy?

Người có hành vi tiểu bậy nơi công cộng tại TP.HCM có thể bị “phạt nguội”, bêu tên và công khai hình ảnh nếu bị camera ghi hình. Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã đề xuất UBND TP giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng, đặc biệt là hành vi tiểu bậy.

TP.HCM: Sẽ bêu tên người tiểu bậy?

Hình ảnh một người đàn ông xin ông Đoàn Ngọc Hải đừng phạt vì tiểu bậy trên đường phố khi bị bắt quả tang. Ảnh: Dân Trí.

Sở này cũng kiến nghị cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản và xử lý hành chính người vi phạm. Đồng thời, công khai thông tin, hình ảnh của người vi phạm.

Theo Sở TN-MT TP.HCM, trước đây việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế, làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung. Tình hình vi phạm về vệ sinh nơi công cộng chưa được cải thiện, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện và xử lý vi phạm nói riêng.

TP.HCM: Sẽ bêu tên người tiểu bậy?

Những hình ảnh không đẹp trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: TL

Theo bà Phạm Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP thì chỉ có lực lượng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường mới được trang bị, sử dụng thiết bị ghi hình để làm chứng cứ xử phạt hành chính. Quy định này gây khó khăn cho địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Do đặc thù vi phạm về vệ sinh nơi công cộng là xảy ra nhanh, tức thời, như hành vi tiểu tiện, xả rác không đúng nơi quy định… trong khi đó lực lượng kiểm tra hiện nay còn thiếu nên khó bắt quả tang vi phạm mà cần có cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình.

Tuy nhiên việc xử phạt không tùy tiện, đòi hỏi thiết bị ghi hình cần do cơ quan quản ý nhà nước quản lý và sử dụng. Hiện nay, đa phần các địa phương đều lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh, giao thông trên địa bàn. “Do đó, tận dụng mạng lưới công nghệ thông tin sẵn có, việc cho phép địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh hoặc camera giao thông để làm chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng là phù hợp tình hình hiện nay”, bà Mỹ cho biết trong văn bản đề xuất với UBND TP.HCM.

Cũng theo Sở TN-MT, đối tượng vi phạm vệ sinh nơi công cộng chủ yếu là người dân, hộ gia đình do ý thức và nhận thức kém. Vì vậy, bên cạnh việc xử phạt chế tài thì công tác tuyên truyền vận động là rất quan trọng.

Sở TN-MT đề xuất giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính vệ sinh nơi công cộng cho các Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng ở địa phương.

TP.HCM: Sẽ bêu tên người tiểu bậy?

Theo đề xuất của Sở TN-MT TP.HCM, sắp tới đây với những hình ảnh như thế này, có thể người vi phạm sẽ bị phạt nguội và bêu tên nếu bị camera ghi hình. Ảnh: TL.

Cũng theo Sở TN-MT TP.HCM, hiện nay việc vi phạm vệ sinh công cộng chưa đến mức bị công khai thông tin, hình ảnh. Tuy nhiên, để xử lý có hiệu quả, việc công khai thông tin người vi phạm là cần thiết.

Theo luật sư Bùi Khắc Toản, việc xử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt, ghi vào biên bản xử phạt thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu bêu tên, công khai hình ảnh người vi phạm thì không nên, vì đó là hình ảnh của hành động nhạy cảm, có thể vi phạm vào quyền riêng tư cá nhân của người vi phạm.

Theo nghị định 155/2016/NĐ-CP, Chính phủ tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng (quy định cũ chỉ phạt 200.000-300.000 đồng).

Ngoài ra, hành vi vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Mức phạt tiền 5-7 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Theo DanViet