Trung Quốc: Bất hiếu với cha mẹ, con cái bị bêu tên trừng phạt nơi công cộng

Sau khi có quá nhiều người già trong làng phàn nàn về việc bị con cái bỏ mặc, mới đây, một ngôi làng ở Tứ Xuyên đã chọn cách bêu tên những người con không làm tròn bổn phận đạo hiếu trên tấm bảng chung của làng.

Không làm tròn bổn phận, bị bêu tên nơi công cộng

Cuối tháng 7 vừa qua, ông Lý Quý (sinh sống ở ngôi làng Huangfeng của tỉnh Tứ Xuyên) do bệnh nặng nên đã từ trần ở một Viện dưỡng lão. Tuy nhiên, con trai là Lý Cương lại không chịu đến nhận thi thể của người cha nên đã khiến các nhân viên ở Viện dưỡng lão này phải nghĩ cách để buộc người con bất hiếu phải lộ diện. Họ dùng một chiếc gậy, trên đó treo chiếc áo ngủ của ông Lý, phía trên buộc một chiếc túi vẽ hình mặt người. Ngoài ra, họ còn treo một chiếc bảng với dòng chữ “Lý Cương, nhận thi thể cha”.

Khi nhận được thông tin này, chính quyền làng quyết định hưởng ứng kế hoạch “gọi” Lý Cương nhanh chóng trở về làm tròn trách nhiệm của người con, với dòng chữ “Lý Cương - đứa con trai bất hiếu. Truy nã Lý Cương, nhận thi thể cha” lên tấm bảng công cộng của làng.

Vụ bêu riếu này nằm trong khuôn khổ luật mới được áp dụng ở làng Huangfeng. Theo Telegraph, ngôi làng Huangfeng của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc mới đưa ra quyết định áp dụng biện pháp “bêu tên con cái bất hiếu với cha mẹ” sau khi có quá nhiều người già trong làng phàn nàn về việc bị con cái bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc.

Trung Quốc: Bất hiếu với cha mẹ, con cái bị bêu tên trừng phạt nơi công cộng
Nhiều người già trong làng phàn nàn về việc họ bị con cái bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc

Bí thư làng Huangfeng là ông Zhang Yiping cho biết, đối với từng trường hợp cụ thể, những cán bộ trong làng sẽ cố gắng nói chuyện để mọi người có trách nhiệm hơn với cha mẹ mình. Tuy nhiên, trong trường hợp họ vẫn có những hành vi bất hiếu, làng sẽ kiên quyết nêu cụ thể danh tính cũng như hình ảnh của họ lên tấm bảng lớn. “Việc này còn xấu hổ, nhục nhã hơn gấp nhiều lần phải ăn đòn roi”, ông Zhang Yiping cho biết.

Ngoài ra, ông Zhang Yiping cũng nói, làng ông còn có kế hoạch áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay hơn bắt đầu từ tháng 1-2017. Theo đó, những nội dung chi tiết về hành xử bất hiếu của những người này sẽ được thông báo rộng rãi với mọi người qua hệ thống loa phát thanh của làng. Khi này, đứa con bất hiếu không có chỗ giấu mặt. Sự hối hận xen lẫn xấu hổ rất có thể sẽ khiến những đứa con này “tỉnh ngộ” mà trở lại báo dưỡng đấng sinh thành.

Khi cách làm này được áp dụng có không ít ý kiến cho rằng việc này đang vi phạm tới quyền riêng tư cá nhân, đứa con “bất hiếu” có thể đâm đơn kiện ngược trở lại. Tuy nhiên, theo ông Zhang Yiping, cách làm này hoàn toàn không vi phạm tới quyền riêng tư cá nhân vì khi họp bàn triển khai biện pháp, tất cả đại diện của người dân trong làng đã đồng thuận.

Luật “hiếu thảo”

Trước đó, tòa án thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Châu, Trung Quốc đã xử thắng kiện cho bà lão họ Chu, yêu cầu con gái bà phải đến thăm mẹ ít nhất hai tháng một lần và ở cùng bà ít nhất hai ngày lễ quốc gia của Trung Quốc. Hai vợ chồng này sẽ phải bồi thường nếu họ không đến thăm bà. Được biết, từ đầu năm 2013, bà lão này đã đâm đơn kiện người con gái mình ra tòa vì xung đột giữa hai mẹ con. Bà Chu đã ra khỏi nhà đứa con gái để đến ở với đứa con trai.

Trong khi đó một tòa án ở Bắc Kinh đau đầu vụ bố mẹ ruột kiện con gái vì hư đốn và... không chịu lấy chồng. Theo lời cặp vợ chồng già họ Chen, họ chỉ có duy nhất một cô con gái nay đã 36 tuổi. Cô này có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do được bố mẹ quá nuông chiều từ khi còn bé nên lớn lên, cô gái này trở thành một người vô ơn, thô lỗ, ỉ lại, thường xuyên cãi lời bố mẹ, không chịu lấy chồng mà cứ "ở vậy" khiến bố mẹ vô cùng phiền lòng. Thậm chí, cô này còn có lần xuống tay đánh mẹ khiến bà Chen bị thương ở phần mềm.

Ông bà Chen cho biết, họ từng cố gắng thay đổi tính nết cô con gái "rượu" và hàn gắn mối quan hệ gia đình bằng cách ngỏ ý đưa cô đến trung tâm hòa giải cộng đồng. Nhưng cô con gái bướng bỉnh nhất định không đồng ý.

Mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm khiến ông bà Chen cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ông bà bèn cho cô con gái vay 150.000 nhân dân tệ (khoảng 525 triệu đồng) để cô gái tự thuê nhà ra ở riêng. Thế nhưng cô cũng không đồng ý và đòi được ở nhà để tiếp tục ỉ lại vào cha mẹ.

Trung Quốc: Bất hiếu với cha mẹ, con cái bị bêu tên trừng phạt nơi công cộng
Nhiều người già Trung Quốc đã chọn Viện dưỡng lão sống phần đời còn lại

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc gần đây cho thấy, trên 14% dân số Trung Quốc có độ tuổi từ 60 trở lên. Và hiện có rất nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc phải sống một mình vì con cái đi đến các khu vực khác tìm việc làm.

Năm 2013, Trung Quốc còn đẩy vấn đề đi xa hơn khi thông qua một điều luật buộc những người con đã trưởng thành ngoài trách nhiệm phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ thì cũng phải quan tâm săn sóc tới đời sống tinh thần của họ, thường xuyên phải về nhà thăm hỏi cha mẹ. Luật mới ban hành nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người cao tuổi, quy định con cái phải thường xuyên thăm nom và chăm sóc cha mẹ già từ 60 tuổi trở lên, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi.

Tới nay đã có hơn 1.000 người già Trung Quốc làm đơn khiếu nại tòa, yêu cầu pháp luật can thiệp trong việc bắt con họ phải chi trả những chi phí chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Theo Hồng Thủy (Phunuonline)