Tự nguyện khai báo y tế khi trở về từ vùng có dịch: Ngoài trách nhiệm còn là tự cứu mình

Bất kỳ một ai đó mang mầm bệnh COVID-19 mà không được cách ly, trốn tránh ở nhà, nguy cơ trước tiên là chính bản thân người đó mắc bệnh, sau đó lây bệnh cho những người thân trong gia đình rồi lây lan ra cộng đồng.

tu-nguyen-khai-bao-y-te-khi-tro-ve-tu-vung-co-dich-ngoai-trach-nhiem-con-la-tu-cuu-minh

Các chuyên gia khuyến cáo, những người từ vùng dịch về cần khai báo y tế trung thực để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Ảnh: T.L

Vẫn còn nhiều trường hợp "lách" khai báo y tế

Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới với nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, việc khai báo y tế, cách ly phòng dịch nhằm mục đích đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân người được cách ly cũng như phòng bệnh cho những người xung quanh và cả cộng đồng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, "lách" khai báo khi trở về từ vùng có dịch để trốn cách ly là hành động thiếu ý thức phòng dịch, vô trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó là mối nguy có thể khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát khó kiểm soát.

Trường hợp "bệnh nhân siêu lây nhiễm" COVID-19 ở Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Từ việc từ chối kiểm tra y tế và đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, người phụ nữ 61 tuổi này đã khiến cả thành phố Daegu (Hàn Quốc) trở thành ổ dịch. Hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia có số người mắc COVID-19 lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, mới đây, một cô gái trở về nước sau khi đi du lịch qua các nước Anh, Pháp, Italia - nơi có bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng không khai báo trung thực. Hậu quả, chính người này đã mắc bệnh và trở thành bệnh nhân thứ 17 mắc COVID-19 tại Việt Nam. Không những thế, theo thông tin từ Bộ Y tế, đến chiều tối ngày 9/3, nước ta đã có thêm 14 ca dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam lên 31 người, trong đó có 2 ca là người thân và tài xế lái xe của bệnh nhân thứ 17 này.

Trước đó, để trốn cách ly, một cô gái ở Bình Dương từ thành phố Daegu - tâm dịch COVID-19 ở Hàn Quốc trở về nước đã "khai man" là về từ thành phố Busan. Sau khi nhập cảnh thành công, cô livestream khoe và bày cách khai báo y tế sai để trốn cách ly. Các chuyên gia đánh giá, đây là hành động đáng lên án, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Khai báo trung thực để tự "cứu" mình

tu-nguyen-khai-bao-y-te-khi-tro-ve-tu-vung-co-dich-ngoai-trach-nhiem-con-la-tu-cuu-minh

Ảnh: Giang Huy

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, trong trường hợp bất kỳ một ai đó mang mầm bệnh COVID-19 mà không được cách ly, trốn tránh ở nhà, nguy cơ trước tiên là chính bản thân mắc bệnh, sau đó lây bệnh cho những người thân trong gia đình. Nếu trong nhà có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hay người có các bệnh nền mạn tính… khi bị lây bệnh sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Do đó, những người được Bộ Y tế khuyến cáo phải cách ly y tế, theo dõi sức khỏe phòng COVID-19 cần có ý thức khai báo y tế trung thực, thực hiện cách ly nghiêm túc. Đây là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình và trách nhiệm phòng bệnh, trước tiên là cho người thân, gia đình mình, rồi sau đó mới đến cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, từ 6h ngày 7/3 việc khai báo y tế được thực hiện tại tất cả các cửa khẩu bằng Tờ khai y tế có sẵn, hoặc trên điện thoại bằng cách quét QR code, hoặc khai báo y tế điện tử trước khi nhập cảnh vào Việt Nam tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte. Người dân có thể gọi 19009095 hoặc 19003228 hoặc truy cập ncov.moh.gov.vn để được tư vấn.

Khu cách ly là nơi tuyệt đối an toàn

Các chuyên gia nhận định rằng, việc nhiều người khai báo y tế gian dối, thiếu trung thực có thể xuất phát từ tâm lý sợ phải vào khu cách ly, sợ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, khu cách ly là nơi tuyệt đối an toàn, không thể lây nhiễm bệnh. Từ trước đến nay, Việt Nam đã đối phó qua nhiều đợt dịch như SARS, H5N1, H1N1... và đều đã áp dụng khu cách ly. Trong khu cách ly, quy trình phòng ngừa lây nhiễm rất nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo không lây nhiễm chéo cũng như không lây ra cộng đồng.

Trên thực tế, những người đã trải qua giai đoạn cách ly 14 ngày để theo dõi và tránh lây lan bệnh ra cộng đồng lại có những cảm nhận hoàn toàn khác so với suy nghĩ ban đầu. Chia sẻ trên trang cá nhân của mình về những ngày cách ly phòng dịch COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Nguyễn Thị Cẩm Thu - du học sinh từ Hàn Quốc trở về cho biết, phòng cách ly được dọn dẹp sạch sẽ, mỗi góc giường của mỗi người đều có tủ đựng đồ. Trong phòng được chuẩn bị cả những dụng cụ cá nhân cần thiết cho mọi người từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng đến cả lược, dao cạo. Giường chiếu cũng được chuẩn bị gọn gàng, tinh tươm. Không những thế, trước cửa phòng, nhà tắm và nhà vệ sinh đều được trang bị sẵn nước sát khuẩn.

Cẩm Thu chia sẻ: "Những ngày trong "quân ngũ", mỗi sáng - trưa đều có bác sĩ đến gọi bạn thức dậy mà không cần báo thức. Họ đo thân nhiệt, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Họ quan tâm hỏi han mọi người rằng "có thấy mệt, ho, đau đầu không", rồi lại phát cho mỗi người 2 cái khẩu trang. Thế là ở trong này, đến khẩu trang cũng không phải lo".

Cẩm Thu cũng chia sẻ nhiều khi cảm giác như mình đang đi nghỉ dưỡng. Thậm chí, đến việc dọn dẹp rác hay vệ sinh phòng cũng đều được làm sạch sẽ đâu vào đấy. Hễ có người cần mua gì hay có người thân gửi đồ vào, cán bộ ở đây đều vui vẻ giúp đỡ. "Điều này khiến mình rất cảm động và biết ơn", Thu viết.

"Cách ly không hề đáng sợ, ngược lại còn cho chúng ta có thêm những trải nghiệm mới nếu chúng ta biết nhìn với con mắt lạc quan và trách nhiệm", du học sinh Cẩm Thu chia sẻ. 

Theo GiaDinh