'Tuyệt chiêu' chữa cay cực hay chị em nội trợ nên thuộc nằm lòng

Khi lỡ tay cho nhiều ớt hay không ăn được món cay thì phải làm thế nào? Đừng lo, chỉ cần thực hiện một số "tuyệt chiêu" sau đây, món ăn của bạn sẽ giảm đi độ cay rất nhiều và chúng sẽ lại ngon như mới.

Các món ăn cay từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu để làm nên văn hóa ẩm thực phong phú ở nhiều địa phương nói riêng và thế giới nói chung. Và mặc dù những món ăn cay có khả năng kích thích vị giác rất hiệu quả, giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn, thế nhưng, đồ ăn quá cay thực sự lại là một "thảm họa" đối với những người không ăn được cay. Những lúc lỡ tay cho nhiều ớt vào món ăn, các bà nội trợ nên "chữa cháy" bằng cách nào tốt nhất?

Thêm sữa hoặc bơ

Nếu bạn lỡ tay cho cả chén ớt vào nồi canh cũng đừng hốt hoảng mà hãy tìm xem trong nhà còn hộp sữa tươi hay cục bơ nào không nhé! Bởi sữa hoặc bơ chính là "vị cứu tinh" làm dịu vị cay ngay tức thì. Protein trong sữa, bơ sẽ giúp giảm độ cay trong món ăn một cách nhanh chóng. 

Thêm rau củ

Trong các loại rau củ có chứa một lượng lớn chất xơ và đường nên khi cho vào cũng sẽ hấp thu bớt vị cay trong món ăn. Các bạn nên lựa chọn các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, đậu cô ve... Chú ý là phải cắt nhỏ rau xanh hoặc các loại củ này để chúng có thể hấp thụ, giảm độ cay cho món ăn một cách hiệu quả nhất.

Thêm các loại hạt

Các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân hoặc Tahini (một loại sốt hạt mè) cũng thể giúp giảm vị cay của món ăn rất nhiều. Tất nhiên, những nguyên liệu này chỉ hợp để "chữa cháy" cho món cà ri hơn các món ăn khác.

Thêm vị chua

Vắt thêm một chút chanh, tắc hay nước ép dứa, cà chua, giấm... vào cũng sẽ giúp giảm bớt độ cay cho món ăn. Nguyên nhân là do axit trong các thực phẩm này có khả năng hạn chế độ cay trong gia vị.

Thêm vị ngọt

Đường, mật ong... giúp trung hòa vị cay, doo vậy, nếu lỡ tay cho quá nhiều ớt vào món ăn, bạn cũng có thể “chữa cháy” bằng cách cho chút đường hoặc mật ong vào. Tuy nhiên, chỉ nên cho vừa đủ để tránh trường hợp món ăn thành chè, bạn nhé!

Thêm nước dùng

Với các món ăn như súp, canh, cháo thì thêm nước là điều quá dễ dàng để giảm độ cay phải không nào? Sau khi thêm nước thì các bạn nhớ bổ sung thêm các gia vị khác để món ăn không bị nhạt nhé!

Ăn kèm với các món không cay khác

Cách cuối cùng để giúp "chữa cháy" món cay chính là ăn kèm với các món không cay khác như như rau củ luộc, bánh mì, cơm trắng... để hạn chế bớt vị cay. 

Một số mẹo "chữa cháy" vòm miệng khi lỡ ăn quá cay:
- Uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa: Casein có trong sữa giúp làm dịu cuống họng. Uống ngay một li sữa tươi nguyên kem, sữa chua hoặc ăn kem còn nguyên chất béo.

- Ngậm đường: Cho một muỗng đường vào miệng và ngậm khoảng một phút.

- Uống bia: Chất cacbonhydrat trong bia cũng giúp giảm cay rất hiệu quả.

- Ăn tinh bột: Ăn một số thực phẩm chứa tinh bột như cơm, bánh mì, khoai lang, khoai tây…

- Nhai chanh luôn cả vỏ: Tinh dầu trong vỏ chanh sẽ làm sạch tinh dầu cay từ ớt tiết ra, giúp bạn cảm thấy hết nóng rát ngay tức thì.

- Ăn sô cô la: Chất béo trong sô cô la giúp trung hòa vị cay. Nhớ là sô cô la sữa không có tác dụng bằng sô cô la đen nha bạn!

- Ăn rau quả tươi: Ăn một số rau quả tươi như dưa leo, cà chua, cà rốt… cũng giúp giảm bỏng rát lưỡi do cay rất tốt.

- Nhai kẹo cao su: Trong một số trường hợp, nhai kẹo cao su không đường cũng là một giải pháp tốt để chữa cay.

Trong quá trình nấu nướng, không riêng gì ớt, việc lỡ tay nêm nếm quá mức với bất kì gia vị nào cũng khiến món ăn mất ngon. Tùy vào món ăn, các bạn hãy lựa chọn phương pháp "chữa cháy" độ cay cho thật phù hợp để món ăn của mình không bị thay đổi hương vị và vẫn giữ được độ tươi ngon nhất có thể nhé!

Ảnh: Internet

Theo Bestie