Vợ cũ bác sĩ Chiêm Quốc Thái thừa nhận thuê giang hồ "xử lý" chồng

Bà Vũ Thụy Hồng Ngọc được mời về Cơ quan CSĐT khi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Hai ngày sau, bà Ngọc bị bắt khẩn cấp. Bước đầu bà Ngọc khai nhận đã thuê giang hồ xử chồng cũ.

Chiều tối 28/5, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vừa bắt giữ đối tượng Vũ Thụy Hồng Ngọc (40 tuổi, có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam), vợ cũ của ông Chiêm Quốc Thái (Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện thẩm mỹ Việt - Mỹ).

Theo đó, bà Ngọc được nhận định là chủ mưu ra vụ truy sát ông Thái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ xảy ra vào 28/3.

Được biết, ngày 24/5, bà Ngọc đã ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, thông tin này đã được cấp báo về Công an TP.HCM. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT đã mời bà Ngọc về trụ sở để làm rõ một số tình tiết xung quanh vụ truy sát ông Thái.

Vợ cũ bác sĩ Chiêm Quốc Thái thừa nhận thuê giang hồ
Bà Ngọc và ông Thái lúc còn mặn nồng

Ngày 26/5, bà Ngọc bị bắt khẩn cấp để phục vụ điều tra. Theo đó, bà Ngọc bước đầu thừa nhận bà và ông Thái cưới nhau bên Mỹ từ năm 2011. Sau đó hai người về Việt Nam sinh sống. Tới năm 2014, hai người ly hôn. 

Giữa bà Ngọc và ông Thái có mâu thuẫn, tranh chấp tài sản sau ly hôn. Ngày 28/3, bà Ngọc đã thuê một số đối tượng giang hồ với mục đích chỉ để đánh dằn mặt chồng cũ.

Liên quan đến vụ việc, trước đó vào tối 28/3 sau khi ăn tối tại một nhà hàng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Thái cùng một người bạn đi ra ngoài thì bất ngờ có bốn thanh niên đi trên hai xe gắn máy ập đến. Hai đối tượng ngồi sau hai xe đã nhảy xuống, rút hung khí, lập tức lao về phía ông Thái tấn công.

Các đối tượng vung hung khí chém người ông Thái, trong đó có một nhát trúng vai và lưng gây thương tích.

Ngay sau khi tiếp nhận trình báo, cơ quan chức năng đã xác định nhóm gây án và đã bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, 4 nghi can bị bắt thừa nhận được bà Ngọc trả tiền để thực hiện “hợp đồng” đánh ông Thái.

Theo GiaDinh

----------------------

Xem thêm:

Bác sĩ Chiêm Quốc Thái là người yêu cầu quay clip khám ngực

Liên quan đến đoạn clip khám ngực nữ bệnh nhân gây xôn xao dư luận, bác sĩ Chiêm Quốc Thái thừa nhận là người yêu cầu quay rồi đăng tải lên mạng xã hội Facebook.

Ngày 26-2, trên trang Facebook của một bệnh viện thẩm mỹ có trụ sở tại quận 1, TP HCM đã đăng tải clip livestream ghi lại cảnh nam bác sĩ đi thăm, lì xì các nữ bệnh nhân đang nằm theo dõi sau phẫu thuật nâng ngực, nâng mông. Nam bác sĩ còn yêu cầu một cô gái tạm bỏ dụng cụ nâng đỡ ngực sau phẫu thuật ra để ông khám, kiểm tra vết mổ. 

Đoạn clip này nhận được nhiều ý kiến trái chiều và gây ra sự tranh cãi lớn.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ bác sĩ Chiêm Quốc Thái - người xuất hiện trong đoạn clip nói trên - để xác nhận thông tin. Bác sĩ Thái thừa nhận: "Tôi là người xuất hiện trong clip và cũng là giám đốc của bệnh viện thẩm mỹ này. Các bệnh nhân này là người Campuchia và Việt kiều. Trước khi ghi hình, tôi đã xin ý kiến của họ".

bac-si-chiem-quoc-thai-la-nguoi-yeu-cau-quay-clip-kham-nguc

Một số hình ảnh khám ngực nữ bệnh nhân trong clip gốc không được che mờ nên gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. (Ảnh cắt từ clip)

* Phóng viên: Việc đăng tải những hình ảnh vùng nhạy cảm của phụ nữ lên mạng như vậy theo ông có đúng với nguyên tắc của ngành y và pháp luật không?

- Bác sĩ Chiêm Quốc Thái: Trong ngành y, muốn thể hiện cách khám thì mình phải ghi hình lại quy trình nhưng phải che mặt. Nhiều người hỏi tôi, quay cận cảnh ngực phụ nữ đúng hay sai? Tôi lấy ví dụ, muốn hướng dẫn việc cho con bú thì cũng phải quay rõ bầu ngực chứ? Đối với ngành y, muốn truyền tải thông điệp là phải thực tế.

Đoạn video tôi đã cho che mặt bệnh nhân bằng cách cho mang khẩu trang. Mục đích tôi muốn nhắn nhủ thông điệp công tác hậu phẫu trong việc chỉnh ngực rất nhẹ nhàng, không mệt mỏi. Việc này thiên về tính chuyên môn hơn.

* Dư luận đang phản đối cách làm đó, vậy những người xuất hiện trong clip có liên hệ lại với ông không?

- Họ chưa liên hệ hay phàn nàn gì đối với tôi. Nếu họ có ý kiến là tôi gỡ xuống ngay. Tôi đang muốn cắt bớt đoạn clip lại cho rõ hơn và dùng lại phần nội dung hướng dẫn chuyên môn chăm sóc ngực sau khi hậu phẫu.

* Tại sao ông không phát nội bộ ở tại bệnh viện của mình để khách hàng theo dõi thay vì đăng lên mạng xã hội?

- Tôi đăng lên Facebook bệnh viện của mình, còn người khác đăng tải khắp nơi là mục đích của người ta, đây là câu chuyện khác. Việc này giống như website của Bộ Y tế quay cảnh bà mẹ cho con bú rồi sau đó nhiều người tải về đăng khắp nơi rồi nói đủ kiểu. Bộ Y tế còn chưa kiểm duyệt được.

* Qua chuyện này, ông thấy mình sai hay đúng?

- Tôi chưa thấy cái gì hết. Nhưng nếu lần sau đăng, tôi cho xóa luôn khuôn mặt, như vậy hay hơn video vừa rồi.

LÊ PHONG thực hiện

Theo Người lao động

----------------------------------

Xem thêm:

Tranh cãi về clip khám ngực nữ bệnh nhân

Một video clip cận cảnh bác sĩ khám ngực, hướng dẫn nữ bệnh nhân chăm sóc bộ ngực mới nâng đang gây tranh cãi trên mạng xã hội facebook

Video clip quay lại cảnh một nam bác sĩ thẩm mỹ đang đi thăm, lì xì các nữ bệnh nhân đang nằm theo dõi sau phẫu thuật nâng ngực, nâng mông.

Nam bác sĩ còn yêu cầu một cô gái tạm bỏ dụng cụ nâng đỡ ngực sau phẫu thuật ra để ông khám ngực, kiểm tra vết mổ, bình luận về kết quả phẫu thuật với các nhân viên y tế xung quanh cũng như hướng dẫn nữ bệnh nhân cách tự chăm sóc sau phẫu thuật.

tranh-cai-ve-clip-kham-nguc-nu-benh-nhan

Một số hình ảnh khám ngực nữ bệnh nhân trong clip gốc không được che mờ nên gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. (Ảnh cắt từ clip)

Vị bác sĩ cũng kiểm tra một bệnh nhân khác đã trải qua phẫu thuật đặt túi nâng mông. Cô gái này còn đang băng vùng mông, khuôn mặt và các phần khác trên cơ thể được phủ kín bằng chăn.

Theo dân mạng, vị bác sĩ xuất hiện trong hình là bác sĩ C.Q.T., một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại TP HCM. Theo góc máy, clip được quay bằng điện thoại một cách công khai trong phòng lưu bệnh.

Clip hiện chưa rõ nguồn gốc ban đầu, nhưng được nhiều người chia sẻ và hơn 1,7 triệu lượt xem. Trong số đó, có nhiều "hội chị em" chia sẻ với mục đích tìm cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ưng ý, nhưng cũng không ít người chia sẻ vì những hình ảnh "nhạy cảm" không được che mờ. Một số facebooker còn bình luận: "Làm bác sĩ thích thật", "Biết vậy hồi xưa học giỏi để làm bác sĩ"…

Trong các bài viết được chia sẻ, cũng có người bình luận rằng đáng lẽ nên che bớt các vùng nhạy cảm khi đăng clip.

Nói về việc quay phim, chụp ảnh trong bệnh viện, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (xin giấu tên) của một bệnh viện đa khoa ở TP HCM cho biết ông vẫn tiếp nhận yêu cầu của báo đài, các mạnh thường quân đến trao quà, và đôi khi chính nhân viên bệnh viện ghi hình để phục vụ cho các thông tin trên website, báo cáo khoa học…

Việc quay phim, chụp ảnh chỉ thực hiện khi đảm bảo đồng thời các điều kiện: thực hiện công khai, được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, những người xuất hiện trong hình, clip (bệnh nhân, nhân viên y tế) chấp thuận cho quay, chụp và đăng tải. Tùy vào thỏa thuận của người quay, chụp và bệnh nhân, khuôn mặt bệnh nhân có thể được che, xóa mờ hoặc không.

Ông cũng cho biết với các báo, đài mang tính đại chúng, họ thường chủ động xử lý che mờ các chi tiết có máu, vết thương, bộ phận nhạy cảm…

Còn trong các bài đăng trên các ấn bản chuyên ngành, các tài liệu soạn thảo nhằm mục đích trao đổi chuyên môn, một số chi tiết không được che nhằm mục đích minh họa, dẫn chứng cho nội dung bài báo. Bản thân ông thường che mặt bệnh nhân trong các hình ảnh dùng trong tài liệu chuyên môn.

Với hình, video clip "quay trong nhà mình", tức hình ảnh dùng trên website bệnh viện, bác sĩ cũng xin phép bệnh nhân trước khi quay, chụp.

Khi khám chữa bệnh, bệnh nhân được hưởng "Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư" và các quyền khác theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quyền nhân thân thân theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Nói cách khác, trong mọi tình huống thông tin, sự đồng ý của bệnh nhân là quan trọng nhất.

 

1. Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

2. Thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

(Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành năm 2009)

K. Nguyên

Theo Người lao động