Vụ tác quyền nhạc Vũ Thành An: Cáo mượn oai hùm!

Kinh doanh thua lỗ, tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thành, CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) thông qua công ty con của mình bất ngờ khởi kiện CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), nơi đang có những cổ đông lớn của chính... PNC!

 

Ngày 15/6/2015, Công ty TNHH MTV Phương Nam Phim (PNF) - đơn vị do PNC sở hữu 100% vốn - bất ngờ tổ chức họp báo tố Maseco vi phạm tác quyền nhạc Vũ Thành An. PNF đưa ra cho báo chí bản hợp đồng số 71/HĐ-PNF mới được ký ngày 9/6/2015 làm chứng cứ. Trong khi báo chí rộn ràng và đi vào câu chuyện tác quyền nhạc Vũ Thành An thì phía sau đó là một khoảng lặng lớn đang âm ĩ chờ cơn sóng dữ.

Diễn biến bất ngờ nhiều người chưa biết!

tác quyền nhạc sĩ Vũ Thành An
 

tác quyền nhạc sĩ Vũ Thành An
 

Theo các thông tin điều tra thu thập được, Báo Người Tiêu Dùng phát hiện ra diễn tiến các sự việc theo một chiều hướng khó ngờ. Ngược dòng thời gian, chúng tôi được biết ngày 11/6, nhóm cổ đông đại diện cho 18,5% cổ phần của PNC đã gửi một Bản kiến nghị dài 3 trang yêu cầu bổ sung vào chương trình họp ĐHCĐ hai nội dung “Phê chuẩn Tổng giám đốc điều hành công ty” và “Bãi nhiệm và bầu Thành viên HĐQT”.

Tiếp đó, ngày 12/6, nhóm cổ đông có văn bản gửi Ban Kiểm soát đề nghị báo cáo 11 trọng điểm liên quan đến các hoạt động và trách nhiệm của các Thành viên HĐQT và Ban Tổng Giám đốc. Trong 11 nội dung này, có những yêu cầu như: Rà soát lại những quy chế nội bộ và báo cáo những quy chế sai với Điều lệ và Luật doanh nghiệp? HĐQT có tổ chức họp 1 lần mỗi quý và ghi chép, ban hành Nghị quyết HĐQT? Việc tuân thủ Điều lệ công ty trong bổ nhiệm các cán bộ quản lý các công ty thành viên? Công khai chi tiết thu nhập và tất cả chi phí của từng Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc? Báo cáo hoạt động và vai trò của PNC tại CGV Việt Nam? Việc thua lỗ của PNF trong việc sản xuất phim Thiên mệnh anh hùng?

Những thông tin trên hoàn toàn không được bà Phan Thị Lệ , Chủ tịch HĐQT PNC nhắc đến trước các cổ đông khi ĐHCĐ diễn ra bất thành. Phát biểu tại đại hội, bà Lệ cho rằng “các cổ đông lớn đã không tôn trọng công ty”. Trong khi đó, cổ đông Vũ Cao Trung trả lời với Báo Người Tiêu Dùng đã khẳng định chính Chủ tịch HĐQT không tôn trọng cổ đông khi không tuân thủ đúng Điều lệ công ty cũng như các đề nghị được giải trình chính đáng.

Dư luận lạc hướng?

Trở lại sự việc tác quyền nhạc Vũ Thành An, ngay sau 2 văn bản liên tiếp làm “nóng mặt” ban lãnh đạo PNC, thì chỉ 3 ngày sau (15/6), PNF bất ngờ mở họp báo tố Maseco. Sự việc này lại diễn ra chỉ trước 2 ngày của ĐHCĐ tức ngày 17/6. Và như đã biết, các cổ đông đại diện cho gần 64% vốn cổ phần đã không có mặt...

Với Bản kiến nghị đã gửi đến PNC, những cổ đông lớn đã không ngại công khai ra mặt vì họ thực sự muốn bảo vệ công ty, muốn minh bạch hóa những hoạt động đang khiến cổ đông, công ty và cả Nhà nước (giữ 5,5% vốn) gánh chịu lỗ. Họ là ai và tại sao họ đã kiến nghị nhưng lại không có mặt?

Các cổ đông đã đứng tên ký đơn bao gồm: Ông Phạm Uyên Nguyên (giữ 1.136.081 cổ phần, chiếm tỷ lệ 10,52% vốn điều lệ PNC); bà Phạm Thị Ngọc Hương (135.294 cổ phần, 1,25%); ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (139.364 cổ phần, 1,29%); ông Lê Thiện Hưng (402.570 cổ phần, 3,64%); ông Vũ Cao Trung (199.090, 1,8%). Số cổ phần trên đều đã được các cổ đông này nắm giữ trên 6 tháng, trong đó ông Hưng còn tăng cường mua vào và hiện đã nắm giữ 514.940 cổ phần tính đến ngày 26/5/2015.

Trong các cổ đông trên, ông Phạm Uyên Nguyên và Nguyễn Tuấn Quỳnh là những người khá nổi tiếng và có uy tín trong giới tài chính. Ông Nguyên từng là Giám đốc điều hành VinaCapital Investment Managent Ltd., đơn vị quản lý quỹ VietNam Opportunity Fund (VOF) danh tiếng và nhiều quỹ khác; ông Quỳnh có học vị Tiến sĩ và đang là Thành viên HĐQT của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC).

Việc các cổ đông trên đứng đơn yêu cầu giải trình, làm rõ và vạch ra hàng loạt nghi vấn sai phạm tại PNC thì sự việc rõ ràng không đơn giản. Mặt khác, tuy nhóm cổ đông trên chỉ đứng đơn với 18,5% vốn, nhưng một Thành viên HĐQT PNC cho biết nhóm cổ đông đã nắm giữ phần vốn lớn hơn rất nhiều. Một thông tin được tiết lộ, Ban lãnh đạo Maseco hiện cũng đã có cổ phần tại PNC!

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng Giám đốc Maseco ngày 16/6 đã có văn bản gửi Bộ Thông tin truyền thông và các cơ quan báo chí, khẳng định “PNF đã lợi dụng cuộc họp báo để phát ngôn thiếu chính xác”. Theo các thông tin tố cáo, PNF cho rằng mình đã có tác quyền của Vũ Thành An từ năm 2012 nhưng tại buổi họp báo lại công bố một hợp đồng ký vội với ngày ký là... 9/6/2015, tức rất sát với thời điểm các cổ đông tại công ty mẹ PNC gửi văn bản kiến nghị.

Chưa vội khẳng định, vụ việc Vũ Thành An là do PNC cố tình đứng sau để khiến Maseco và các cổ đông bận rộn là có hay không. Nhưng, rõ ràng PNC đã thành công khi một số cổ đông tức giận và bỏ cuộc họp ĐHCĐ. Đó là nơi mà lẽ ra họ phải có mặt để nêu lên các bức xúc, sai phạm tại công ty mà họ đang nghi vấn và muốn được giải trình; nơi mà họ sẽ giúp các cổ đông nhỏ hiểu rõ công ty đang đi đúng hướng hay không và vì sao các cổ đông nhiều năm liền không có cổ tức. Vụ việc ĐHCĐ của PNC diễn ra bất thành cũng nhanh chóng “chìm” xuống trên các phương tiện truyền thông vì tin tố cáo liên quan tác quyền của nhạc sĩ Vũ Thành An rõ ràng là nóng bỏng hơn.

Tại sao PNC lỗ nặng nhiều năm qua? Tại sao PNC liên tục có các quyết định bổ nhiệm bất thường? Đó vẫn là các câu hỏi lớn mà đến nay Ban Kiểm soát và Chủ tịch HĐQT PNC vẫn chưa hề trả lời cho các cổ đông!

Nội dung Bản kiến nghị có các thông tin chỉ trích khá “nóng” mà nhiều người hoàn toàn chưa được biết. Cụ thể, Bản kiến nghị ghi rõ: “Trong nhiệm kỳ 2012-2017, sự định hướng và điều hành của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc rất yếu, dẫn đến công ty kinh doanh lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2012 lỗ 16,8 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 24,8 tỷ đồng; năm 2014 thực chất kinh doanh chính là lỗ trên 10 tỷ đồng (PNC nhận một khoản lợi nhuận từ đối tác liên kết nên chuyển thành có lãi 2,38 tỷ đồng, từ đó tránh được việc bị hủy niêm yết -PV). Dẫn đến tại thời điểm 31/3/2015, lỗ lũy kế của công ty là 63 tỷ đồng, tức là công ty đã mất trên 57% vốn điều lệ của mình. Vì vậy, chúng tôi cho rằng HĐQT hiện nay đã chưa thực hiện tốt vai trò quản trị, chỉ đạo thực hiện hoạt động kinh doanh và các công việc khác của công ty. Một HĐQT không hoàn thành nhiệm vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng như thế cho công ty cần phải được bãi miễn để bầu những thành viên khác nhằm vực dậy và đưa công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài gây thiệt hại cho các cổ đông”.

Theo Cát Trí (NTD)