Xe tập đi gây hại thêm cho trẻ

Khi trẻ bước vào tuổi chập chững biết đi, nhiều ba mẹ đã không ngại mua ngay về cho con chiếc xe tập đi. Tuy nhiên, ít người biết rằng, cho con ngồi trên xe tập đi có hại nhiều hơn lợi.

Xe tập đi là dụng cụ nhiều phụ huynh nghĩ tới đầu tiên để "tập đi" cho trẻ, theo tên gọi của nó. Xe xinh xắn, nhiều màu, có nhiều đồ chơi vui cho trẻ. Trẻ được đặt vào xe, dù nhỏ cách mấy cũng nhìn thấy “lớn hơn” hẳn ra vì có vẻ đứng và di chuyển tự thân được. Tuy nhiên dụng cụ này đã và đang được nhiều nước, nhiều tổ chức y tế các nước khuyến cáo bài trừ.

Ở Bắc Mỹ, hầu hết các chuyên gia và bác sĩ nhi khoa đều cho rằng dùng xe tập đi không có lợi cho trẻ. Năm 2004, Bộ Y tế Canada đã ra lệnh cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Thậm chí, một người thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt.

Canada là nước đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm với xe tập đi. Ở Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trừờng.

Tháng 6/2003, chính phủ Canada đã cho thực hiện một cuộc khảo sát, kết quả thật đáng kinh ngạc: Mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh bị thương trong khi sử dụng xe khung tập đi. Tính đơn giản hơn, mỗi ngày có ít nhất ba trẻ sơ sinh bị thương vì loại xe tròn này. Ngồi xe tròn tập đi những tưởng an toàn, vậy nhưng nó lại mang đến những nguy hại khó ngờ.

Xe tập đi gây hại thêm cho trẻ
Xe tập đi  là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn cho trẻ

Bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo cho biết: "Thống kê tại các nước phát triển cho thấy xe tập đi dùng phổ biến ở trẻ từ 5 tháng đến 15 tháng tuổi. Đây được cho là một nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn cho trẻ, dưới nhiều hình thức".

Té và đụng

Xe tập đi gây chấn thương cho trẻ nhỏ do ngã và đụng. Đa số trường hợp bị chấn thương đầu và nặng hơn so với nhiều kiểu ngã khác. Lý do là trẻ ở trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã sẽ có xu hướng chúi đầu về trước. Trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên chấn thương nặng nề hơn so với trẻ té tự do.

Đồng thời, lực đẩy và tốc độ tạo ra bởi các bánh xe cũng có nghĩa va đập mạnh, nặng nề hơn. Đa số trường hợp là ngã cầu thang. Ở các nhà không có cầu thang, trẻ vẫn dễ có nguy cơ té chấn thương đầu do xe mất cân bằng khi đụng với những vật dụng ở sàn nhà hoặc sàn nhà không bằng phẳng.

Phỏng

Phỏng chiếm khoảng 5% tai nạn do xe tập đi, 40% ca phải nhập viện. Phỏng trong các trường hợp này gần như luôn xảy ra ở đầu mặt và ngực, di chứng lâu dài khủng khiếp, ảnh hưởng suốt đời trẻ và của gia đình. Đa số ca phỏng xảy ra khi trẻ ở trong xe tập đi với tay lấy ấm nước nóng, cốc nước, tô đựng canh nóng, hoặc rơi vào những nơi tỏa nhiệt cao như lò, nồi nấu hoặc lửa.

Ngộ độc

Tương tự phỏng, những trường hợp này là hệ quả của việc trẻ dễ với đến những vật cần tránh. Một nghiên cứu ở Australia cho thấy xe tập đi là yếu tố thứ hai gây ngộ độc ở trẻ nhũ nhi; nghiên cứu tại Mỹ thì đây là yếu tố phổ biến nhất. 

Những tai nạn khác

Các loại tai nạn khác được báo cáo bao gồm ngạt nước, chết đuối, chấn thương cột sống, bể răng, chấn thương mắt, kẹt tay, ngón tay…

Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Tất cả nghiên cứu hiện nay đều cho thấy xe tập đi không giúp được gì trong phát triển của trẻ mà còn có thể có tác dụng ngược lại. Trẻ sử dụng xe tập đi thường xuyên sẽ phát triển các kỹ năng vận động như ngồi, bò, đứng, đi chậm hơn hẳn so với trẻ không sử dụng.

Một số nghiên cứu còn cho thấy trẻ sử dụng xe tập đi có chỉ số kỹ năng nhận thức thấp hơn. Cứ mỗi 24 giờ sử dụng xe tập đi, trẻ sẽ chậm thêm 3,7 ngày để có thể tự đứng được, chậm thêm 3,3 ngày tự đi được mà không cần giúp đỡ. Có nghĩa là khi bé sử dụng xe tập đi càng nhiều, bố mẹ càng làm chậm bước phát triển vận động của con.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc cho trẻ ngồi và tự “đứng”, “di chuyển”, “chịu trọng lực” quá sớm là trái tự nhiên, phản khoa học. Điều này mang lại nguy hiểm tiềm tàng không chỉ về phát triển tâm thần vận động mà còn có thể gây tổn thương tích lũy lâu dài cho cột sống.

Cách giúp bé tập đi nhanh hơn mà không cần tới xe

Mẹ hãy tạo điều kiện và giúp con tập đứng, vì việc này sẽ giúp săn chắc, phát triển cơ, xương chân - tiền đề cho những bước đi đầu tiên vững chãi. Mẹ cho con bám vào chân mẹ và tự đứng dậy, sau đó giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống.

Khi cùng con tập đi, mẹ hãy dìu, nâng đỡ con đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình để tránh gây trật cổ tay hay xương vai bé. Thay vào đó, mẹ nên nâng từ khủy tay hay vai bé, như vậy sẽ an toàn hơn. Cũng có thể quỳ gối trước mặt con và đỡ con bằng hai tay giúp bé di chuyển trong nhà. Khi bé đã đi thành thạo, mẹ có thể dùng tay dắt bé đi.

Một lưu ý nữa, các chuyên gia Canada khuyên chị em không cần phải đi giày cho con khi bé tập đi trong nhà, việc đi lại bằng chân không sẽ giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn. Khi nào bé ra ngoài hoặc trong thời tiết lạnh thì mẹ hãy mang giày cho bé.

Theo Quỳnh Chi (nguoitieudung)