Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Những rắc rối tiềm ẩn

Dự thảo quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay của Bộ GD&ĐT dù được đánh giá là theo hướng có lợi cho các thí sinh, song vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều điểm có thể gây thiệt thòi, thậm chí vô tình tạo ra bất bình đẳng giữa các thí sinh trong cùng một kỳ thi.

xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang-nam-2016-nhung-rac-roi-tiem-an
Dù được đánh giá là an toàn, song nội dung Dự thảo qui chế phần tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 vẫn còn nhiều điểm bất cập. Ảnh: Q.Anh

Duy trì điểm cộng tạo ra thiếu công bằng?

Kỳ xét tuyển ĐH, CĐ 2015 cho thấy có rất nhiều thí sinh được hưởng chính sách cộng điểm tới 3,5 điểm (có thí sinh được cộng 6,5 điểm do thêm điểm khuyến khích), điều này gây nhiều tranh cãi, “tị nạnh”, trong một bộ phận thí sinh. Năm nay, theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Bộ GD&ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến nơi học và tốt nghiệp THPT như sau: “Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh”.

Cũng liên quan đến quy định về điểm ưu tiên khu vực, đối với các trường hợp được hưởng điểm ưu tiên Khu vực 1 theo hộ khẩu thường trú, Dự thảo đưa ra quy định mới, nhóm ưu tiên được cộng điểm cao là khu vực 1 sẽ giảm đáng kể so với trước. Những thí sinh thực sự ở vùng khó khăn mới được hưởng chế độ ưu tiên. Một điều chỉnh quan trọng nữa, là Bộ cũng quy định rõ Khu vực 2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

Đánh giá về vấn đề này, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên là chính sách hợp lý. Học sinh miền núi có môi trường sống, học tập còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo viên cũng hạn chế. “Để điểm ưu tiên thực sự công bằng, điểm cộng ưu tiên cho mỗi thí sinh không nên quá 3 điểm trên tổng điểm xét tuyển đối đa là 30 cho một khối thi. Mặt khác, có thể là mở rộng mô hình học bổ túc, dự bị để cho những học sinh miền núi chưa đủ trình độ vào đại học có nhiều cơ hội hơn”, PGS Văn Như Cương đề xuất.

Đại diện một số trường ĐH, CĐ cũng cho biết, hàng năm công tác tuyển sinh gặp nhiều rắc rối vì điểm cộng, thí sinh xếp hạng cao chủ yếu là được cộng điểm, khiến nhiều thí sinh điểm cao thực sự bị trượt hoặc chuyển sang đăng ký học ngành khác. Vì vậy, lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần giảm bớt điểm cộng để tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh. Duy trì chính sách cộng điểm nhưng cần nghiên cứu lại về số điểm cộng ở mức hợp lý, không thể “ban phát” cho người này nhưng lại làm người khác thiệt thòi.

Hạn chế cơ hội trúng tuyển của thí sinh

Một trong những điều chỉnh đáng chú ý về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 là hạn chế nguyện vọng trong các đợt xét tuyển. Để tránh tình trạng lộn xộn trong xét tuyển, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến thí sinh sẽ có 2 hình thức đăng ký xét tuyển là nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến.

Việc này được cho là sẽ tránh tình trạng ào ào nộp hồ sơ, hoặc chọn ngành nghề theo cảm tính hay cố thi đỗ nhưng không vào ngành mình thích. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cho biết, việc này hạn chế rất nhiều cơ hội cho các em. Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển thì chỉ có thể chờ đợi trường công bố điểm. Thí sinh hoàn toàn bị động trong việc chờ đợi công bố điểm, được chọn 2 trường cũng khiến thí sinh cần phải cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển.

Cho rằng nếu thí sinh được thay đổi nguyện vọng như năm 2015 thì số cơ hội của thí sinh sẽ cao hơn, PGS. Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Việc cho thí sinh đăng ký cùng lúc hai trường, mỗi trường hai ngành lại gây khó khăn hơn cho các trường trong việc lọc thí sinh ảo. Bốn nguyện vọng của năm nay khác hoàn toàn so với năm ngoái. Năm nay, thí sinh được đăng ký cùng lúc hai trường nên trường này sẽ không thể lọc ảo từ trường kia, nhất là với những trường tốp dưới”.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, nhiều ý kiến cho lo ngại rằng tình trạng “vỡ trận” trong xét tuyển cũng vẫn có thể xảy ra, thí sinh đăng ký trên mạng Internet vẫn có thể rơi vào tình trạng nghẽn mạng do nhiều thí sinh đăng ký vào các ngày áp chót. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chưa có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp thí sinh trúng cả hai hoặc ba trường sẽ được giải quyết ra sao, nếu thí sinh chọn trường này lại vô tình khiến trường kia gặp khó.

Theo Dự thảo Quy chế phần tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 do Bộ GD&ĐT vừa công bố, thời gian đăng ký xét tuyển năm 2016 bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ. Bộ cũng quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ dự thi, xét tuyển. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ xét tuyển và hồ sơ dự thi với hồ sơ gốc.

Theo Quang Anh/Báo Gia đình & Xã hội