Xin đừng phán xét những đứa 'dở hơi' nữa!

Cái nắng nóng của những ngày tình nguyện cũng chưa khiến chúng em mệt mỏi. Giờ ngồi đọc những ý kiến bình luận ở một số bài báo chúng em mới thấy áp lực và tổn thương vô cùng”.

Xã hội vẫn có nhiều đứa “dở hơi”?

  

Nắm chặt tay nhau để phân luồng giao thông ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Thời tiết Thủ đô gần 400, cái nóng khiến những người đang ngồi trong điều hòa lỡ có không may đặt cánh tay ra ngoài cửa sổ cũng phải giật mình rụt tay lại. Thế mà vẫn có những con người hâm dở không chịu ngồi trong chỗ mát, cứ chạy ra đứng chỗ nắng, có những người còn dở hơi đến mức làm “dải phân cách sống” giữa đường.

Báo chí thì chụp ảnh đưa tin rầm rầm, dư luận và các anh hùng bàn phím thi nhau ném đá đến mỏi tay. Này thì bọn “điên”, bọn “ngu còn tỏ ra nguy hiểm”, này thì “những cột đường đần độn”, này thì “ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại”.

Rất nhiều những ý kiến bình luận gay gắt đưa ra dưới các bài báo đưa hình ảnh của những SVTN năm nay tham tham gia tiếp sức mùa thi THPT Quốc gia năm 2015. Người ngoài cuộc thì tỏ vẻ ác ý, người trong cuộc thì tức giận vì những việc làm mang tính thiện nguyện của mình lại không được công chúng đón nhận. Có người nhìn qua sự việc vô tình buông một câu: “Cây cao bóng mát không ngồi. Đứng chi chỗ nắng trách trời không râm”.

Đọc bình luận thấy áp lực và tổn thương vô cùng!

 

Hoàng Huy Hải - Hội trưởng Hội SVTN đồng hương Nam Định tranh thủ nghỉ trưa khi tham gia tiếp sức mùa thi ở bến xe Giáp Bát.

Nói chúng em “Cây cao bóng mát không ngồi” là không đúng. Thực ra, cái nắng nóng của những ngày tình nguyện cũng chưa khiến chúng em mệt mỏi. Giờ ngồi đọc những ý kiến bình luận ở một số bài báo chúng em mới thấy áp lực và tổn thương vô cùng!”, bạn Quang Tiến – Sinh viên tình nguyện trường Đại học Kinh tế Quốc dân buồn bã chia sẻ.

Nhiều người cứ nghĩ, làm tình nguyện là làm theo phong trào, thậm chí có người chỉ trích các em là làm màu để được báo chí ca ngợi. Nhưng có ai biết rằng, dù là làm tình nguyện thì các em vẫn phải bỏ công, bỏ sức một cách nghiêm túc. Bạn Hà Linh tâm sự: “Công việc tình nguyện mùa thi bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc là 5h tối. Em phải dậy từ 5h để tập các bài tập thể lực rèn luyện sức khỏe. 6h30 có mặt tại điểm thi họp đội 5 phút trước khi bắt đầu làm việc. Những ngày này, công việc chủ yếu của em là phân luồng giao thông, hướng dẫn phụ huynh, thí sinh chỗ nghỉ và khu vực thi.

“Nhìn vào việc làm của sinh viên mỗi người sẽ có quan điểm riêng, theo ý kiến của mình thì một hàng rào sống là hoàn toàn cần thiết trong thời điểm đó. Có thể thấy thời tiết mấy hôm nay rất nắng nóng khắc nghiệt, tâm lý chung của tất cả các phụ huynh và thí sinh đều muốn nhanh chóng trở về nhà để nghỉ ngơi nên việc ùn tắc giao thông khi kết thúc giờ làm bài rất dễ xảy ra. Có rất nhiều bạn thí sinh hiếu động chui dây vượt rào để qua đường. Như vậy một hàng rào cứng rất khó để kiểm soát được sự hiếu động của các bạn ấy”, Hoàng Hưng sinh viên Đại học Bách Khoa tâm sự.

Cũng tham gia làm “dải phân cách sống” phân luồng giao thông gần khu vực thi Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Oanh chia sẻ: “Mình xin khẳng định là hàng rào chỉ bắt đầu làm việc khi sắp kết thúc giờ thi của thí sinh, thời gian còn lại các bạn tình nguyện viên được tản ra các khu vực ngồi chờ để trò chuyện với các bậc phụ huynh. Và trong thời gian đứng rào, cứ 15 phút các bạn tình nguyện viên đều được đổi ca để nghỉ ngơi, tránh nắng đảm bảo sức khoẻ”.

“Mình vẫn xin cảm ơn tất cả mọi người dù các ý kiến có khen hay chê, đồng tình hay phản đối với việc mà mình và những đồng đội của mình tham gia vào vụ việc “dải phân cách sống”. Công việc tình nguyện không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn giúp chính bản thân mình cảm thấy trưởng thành hơn. Mình có thể khẳng định những hình ảnh mọi người nhìn thấy chỉ là phiến diện, chưa lột tả được hết ý nghĩa của việc làm này. Ý kiến của cư dân mạng đáng sợ thật nhưng thấy công việc chúng mình làm có nhiều đóng góp cho xã hội nên chẳng có lý do gì lại chùn bước cả”, Hoàng Huy Hải – Hội trưởng Hội đồng hương Nam Định nói.

Xin đừng phán xét những đứa “dở hơi” nữa!

Các em sinh viên tình nguyện của HV CSND giúp người già xách đồ.

Nếu chỉ đọc vài bài báo có lẽ tôi cũng sẽ giống như bao anh hùng bàn phím kia đang ngồi để ném đá các em. Nhưng may mắn , suốt quãng thời gian tiếp sức mùa thi tôi đã có nhiều cơ hội để đồng hành cùng các em và nhận ra rằng:

Thật may là có những đứa “dở hơi” như các em, nên mỗi năm đến mùa thi mới có hàng nghìn chiếc áo xanh ướt đẫm mồ hôi không ngần ngại giữa trưa hè nóng bức đứng phân luồng giao thông, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh tìm điểm thi, tìm nhà trọ, trông đồ cho sĩ tử. Có các em mà những người lần đầu tiên xa quê, đặt chân lên Thủ đô cũng thấy quen thuộc và ấp lòng vô cùng.

Thật may là có những đứa “dở hơi” nên mỗi năm mới có hàng nghìn sinh viên kéo nhau đến với lễ hội xuân hồng hiến máu cho đồng loại.

Thật may là có những đứa “dở hơi” nên những đứa trẻ vùng cao mới biết chữ, những cụ già neo đơn mới tìm được niềm vui, người nghèo có ngôi nhà để ở và những dòng sông ô nhiễm lại trở nên xanh tươi.

Thật may còn có những đứa “dở hơi”, không thích ngồi trong bóng mát hưởng nhàn hạ để có cơ hội chỉ trích người khác. Thật may chúng không phải “anh hùng bàn phím”, không biết dùng đao kiếm “chém gió” mà chỉ biết dùng những hành động của mình để đóng góp cho xã hội. Thật may xã hội này vẫn còn rất nhiều đứa “dở hơi".

Vì vậy, xin đừng phán xét những đứa “dở hơi” nữa!

Theo Hoàng Kim Thược (Người Đưa Tin)