4 bệnh nhân rất nặng, chuyên gia căng mình hội chẩn liên tục

Đến sáng 11/4, trong số 113 bệnh nhân đang điều trị, có 4 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Bản tin thông báo tình hình dịch COVID-19 lúc 6h sáng 11/4 của Bộ Y tế cho biết, trong 12 giờ qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào. Nước ta vẫn có 257 ca mắc COVID-19.

Đây là ngày thứ 8 ghi nhận số ít ca mắc mới trong ngày. Chuyên gia khẳng định không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội.

Hiện còn 113 bệnh nhân đang điều trị tại 16 cơ sở khám chữa bệnh: 70 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương; 39 ca đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; 4 ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện; Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.

4-benh-nhan-rat-nang-chuyen-gia-cang-minh-hoi-chan-lien-tuc

Dù số người mắc mới theo ngày có giảm trong 8 ngày gần đây, chuyên gia khẳng định không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội. Nguồn: Bộ Y tế

Ngày 10/4, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, một trong 2 ca này là cô gái 15 tuổi ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thôn này đã có 5 người mắc, Bộ Y tế đã cử tổ công tác đặc biệt đến thôn này để hỗ trợ Hà Nội dập dịch. 

Cũng trong ngày, có 16 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số ca bình phục ở nước ta lên 144 người.

Kiên định 5 nguyên tắc chống dịch

Trong cuộc họp giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch chiều 10/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay chúng ta đã kiên định 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Đến giờ phút này, sau 3 tháng cho thấy chúng ta đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động, chưa bao giờ hốt hoảng trong công tác phòng chống dịch bệnh và luôn làm sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Chúng ta luôn lường tình huống xấu hơn để không xấu đi và tình huống xấu nhất để không bao giờ xảy ra. Cùng đó, các kịch bản ứng phó cũng được xây dựng đầy đủ. "Tất cả các diễn biến dịch bệnh trong nước đều đã được dự liệu và có phương án phù hợp".

4-benh-nhan-rat-nang-chuyen-gia-cang-minh-hoi-chan-lien-tuc

Số người cách ly đã tăng nhẹ trong 24 giờ qua

Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội.

Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng cho biết, chúng ta xác định rất rõ nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, các lực lượng khác là nòng cốt. Từ đó, chúng ta có kế hoạch tuyên truyền vận động, người dân rất tin tưởng, ý thức cùng tham gia phòng, chống dịch.

Khẳng định việc thời gian tới tuyệt đối không được chủ quan, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, "nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước". Do đó, cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế.

Căng mình dồn sức cứu các bệnh nhân COVID-19 nặng

Cũng trong ngày, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đến thời điểm này, có 4 trường hợp bệnh nhân COVID-19 dù đang trong tình trạng nặng, nguy kịch nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Chúng ta giữ được đến thời điểm này là một nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ.

Các chuyên gia tại các điểm cầu đã trao đổi và xin ý kiến về 4 trường hợp bệnh nhân nặng, trong đó có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là BN số 20 (bác gái bệnh nhân 17), BN 161 (cụ bà 88 tuổi ở Hưng Yên), BN251 (bệnh nhân này từ BVĐK tỉnh Hà Nam chuyển lên ngày 9/4) và BN91 - nam phi công của Vietnam Airline đang điều trị đặt ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cũng chia sẻ, chúng ta bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng chống COVID-19, do đó cùng với dự phòng, hệ thống điều trị không được lơ là và chủ quan. 

Tất cả các bệnh viện đều coi những bệnh nhân đến khám đều là F1, những đối tượng nguy cơ cần được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, các bệnh viện cần thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế về chống nhiễm khuẩn bệnh viện, giãn cách xã hội bằng cách tăng cường khám chữa bệnh online, tư vấn từ xa, để hạn chế tối đa người dân đến bệnh viện nếu không cần thiết.

Đối với những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh/xuất viện, thực hiện theo dõi cách ly 14 ngày theo quy định, các cơ sở điều trị có thể lấy mẫu hoặc trao đổi CDC địa phương lấy mẫu để xét nghiệm thêm lần nữa.

Võ Thu

Theo GiaDinh

---------

Xem thêm:

+Thế giới vượt 100.000 ca tử vong, Mỹ trên nửa triệu ca bệnh

+Tại sao bệnh nhân covid-19 thứ 50 dương tính trở lại sau 2 lần âm tính

+Diễn biến bất ngờ về BN237 người Thuỵ Điển từng khiến 101 nhân viên y tế bị ảnh hưởng

+Phạt 9 tháng tù đối tượng đánh bầm dập 2 cán bộ vì bị nhắc đeo khẩu trang

-----------