Bài cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất bà nội trợ nên biết

Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt thường làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Bên cạnh những lễ vật, mâm cỗ, bà nội trợ cần quan tâm đến bài cúng ông Công ông Táo để cầu những điều tốt đẹp cho gia đình.

Bài cúng ông Công ông Táo bằng tiếng Việt (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)

bai cung ong cong ong tao chuan nhat ba noi tro nen biet hinh anh 1

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Ý nghĩa của việc thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo

bai cung ong cong ong tao chuan nhat ba noi tro nen biet hinh anh 2

Theo truyền thuyết, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người". Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác.

Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.

Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.

Thả cá chép đúng là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá còn có cơ hội được sống. Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất. 

Theo DanViet