Các nhà khoa học Mỹ tự tin đã tìm ra văcxin tiềm năng ngừa corona

Các nhà khoa học ĐH Pittsburgh (Mỹ) ngày 2-4 công bố đã tìm ra loại văcxin tiềm năng ngừa virus corona chủng mới và tin tưởng có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng.

cac-nha-khoa-hoc-my-tu-tin-da-tim-ra-vacxin-tiem-nang-ngua-corona

Một nhà nghiên cứu tại ĐH Pittsburgh trong phòng thí nghiệm nghiên cứu văcxin ngừa virus corona chủng mới - Ảnh: REUTERS

Theo báo USA Today, nhóm nghiên cứu tại ĐH Pittsburgh ngày 2-4 công bố công trình nghiên cứu của họ trên tạp chí y khoa truy cập mở hàng đầu EbioMedicine. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã phát triển và thử nghiệm thành công văcxin tiềm năng này trên chuột.

Các nhà khoa học nói họ có thể phát triển văcxin nhanh như vậy là vì họ đã làm nghiên cứu với các chủng virus corona tương tự gây bệnh SARS và MERS.

"Hai loại virus này (gây bệnh SARS và MERS) rất gần với SARS-CoV-2, đã giúp chúng tôi hiểu về một loại protein cụ thể rất quan trọng trong việc tạo ra miễn dịch với virus", báo New York Post dẫn phát biểu của ông Andrea Gambotto, phó giáo sư giải phẫu tại trường y khoa ĐH Pittsburgh, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu.

"Chúng tôi biết chính xác chỗ cần tấn công chủng virus mới này", ông tiếp.

Loại văcxin được phát triển tại ĐH Pittsburgh sử dụng công nghệ cũ đã dùng trong phát triển các loại văcxin ngừa cúm thông thường.

Văcxin của nhóm nghiên cứu ở ĐH Pittsburgh dùng protein của virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm để tạo cơ chế miễn dịch với virus corona chủng mới. Những thử nghiệm trên chuột cho thấy văcxin này đã có thể làm tăng lượng kháng thể ở mức đủ để chống lại virus trong vòng 2 tuần.

Ông Louis Falo, giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa da liễu ĐH Pittsburgh, cho rằng thời gian để tiến tới các thử nghiệm lâm sàng với văcxin này có thể là một tháng, hoặc hai tháng nữa.

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát trong hơn 3 tháng nhưng đã cướp đi hơn 50.000 sinh mạng và khiến hơn 1 triệu người mắc bệnh, các cơ quan quản lý cấp chính phủ cũng đang đối mặt với thách thức về việc phải đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn văcxin.

Bình thường các loại văcxin phải mất rất nhiều năm để được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn.

Tuy nhiên ngày 16-3 vừa qua, 4 tình nguyện viên khỏe mạnh đầu tiên tại thành phố Seattle, bang Washington đã được cho phép thử nghiệm một văcxin ngừa COVID-19 tiềm năng khác do Công ty Moderna phát triển.

Dù vậy loại văcxin đang được thử nghiệm tại Seattle sử dụng một công nghệ bào chế văcxin mới, nhanh hơn và chưa được kiểm nghiệm.

Giáo sư David O'Connor của Trường y khoa và sức khỏe cộng đồng ĐH Wisconsin đánh giá thận trọng về kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học tại ĐH Pittsburgh: "Hiện có rất nhiều ứng cử viên văcxin đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau".

Theo ông O'Connor, việc kết quả thu nhận được cho thấy một văcxin có thể tạo ra được phản ứng miễn dịch là "bước quan trọng đầu tiên để xác minh những loại văcxin nào nên được tiếp tục phát triển, nhưng vẫn chỉ là bước đầu tiên trong rất nhiều bước cần thiết để có được một văcxin hữu dụng. Nghiên cứu này đã chỉ ra một vài trong số những dữ liệu ‘bước đầu’ đó".

D. KIM THOA

Theo Tuổi trẻ

-------

Xem thêm:

COVID-19: Điều Trung Quốc làm được mà Mỹ không thể bắt chước

Trung Quốc dường như đang thành công trong việc kìm chế đà lây lan của COVID-19, trong khi Mỹ vẫn chật vật đối phó đại dịch, với số người chết trong ngày liên tục tăng mức cao kỷ lục. Liệu Washington có thể áp dụng các phương pháp của Bắc Kinh? Tờ USA Today (Mỹ) hôm 1/4 đưa ra câu trả lời.

covid-19-dieu-trung-quoc-lam-duoc-ma-my-khong-the-bat-chuoc

Nhân viên chính phủ và tình nguyện viên phong tỏa một khu dân cư tại Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty

Hồi cuối tháng 2, khi số ca nhiễm virus corona tại Vũ Hán gia tăng, chính quyền địa phương đã đến gõ cửa từng nhà để kiểm tra sức khỏe, đồng thời cách ly bắt buộc từng người dân nhiễm bệnh tại các bệnh viện và trại cách ly. Thậm chí, trẻ nhỏ có biểu hiện bị nhiễm, bất kể nặng nhẹ, đều bị buộc phải cách ly khỏi cha mẹ, theo USA Today.

Còn đối với các căn hộ cao tầng trong thành phố, nhân viên quét dọn bị buộc phải làm vệ sinh sạch sẽ, đồng thời phải đảm đương luôn nhiệm vụ làm bảo vệ, có trách nhiệm kiểm tra thân nhiệt tất cả cư dân, quyết định cho ai vào và kiểm tra thực phẩm thuốc men được giao tới tòa nhà.

Trên đường phố, thiết bị bay điều khiển từ xa có trang bị camera bay vòng vòng trên không, giám sát và nhắc nhở người dân ở yên trong nhà, hoặc yêu cầu họ phải đeo khẩu trang.

“Chúng tôi không thể đi ra ngoài vì bất kỳ lý do gì. Ngay cả khi có nuôi thú, cũng không được ra ngoài đường. Ai có chó thì phải chơi với chúng trong nhà và phải dạy chúng tiêu tiểu trong buồng tắm”, cô Wang Jingjun, 27 tuổi, ngụ tại Vũ Hán nhớ lại.

Biện pháp cấm tiếp xúc của Trung Quốc: “Thấy có vẻ quá mức, nhưng nó hiệu quả”

Khi Mỹ bắt đầu trở thành một trong những tâm dịch của thế giới, quan chức và chuyên gia y tế Trung Quốc khẳng định chắc nịch rằng ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng ngay tức thì các biện pháp xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt mà giới chuyên gia phương Tây đề nghị, những động thái đó vẫn không đủ để ngăn đà lây lan của dịch bệnh.

Mỹ cần có những biện pháp mạnh tay hơn, theo quan chức và chuyên gia Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn hoài nghi về khả năng người dân Mỹ có thể tuân thủ theo các biện pháp mà Bắc Kinh đã triển khai, bởi nhiều lý do, gồm lý tưởng chính trị và thói quen văn hóa ăn sâu trong lòng người dân Mỹ.

“Phong tỏa, cấm tụ tập, cách ly, xét nghiệm, buộc rửa tay… những biện pháp này vẫn chưa đủ. Bạn cần phải cách ly tập trung người dân trên diện rộng và tận dụng bất kỳ cơ sở vật chất có sẵn, chẳng hạn sân vận động, hội trường, bất kỳ nơi nào có thể. Điều này nghe có vẻ quá đáng, nhưng nó hiệu quả”, ông Huiyao Wang, cố vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc, nói với USA Today.

“‘Không bỏ sót một ai’ từng là khẩu hiệu của Vũ Hán”, ông này cho biết.

Còn tại Mỹ, Trump cũng có kêu gọi người dân hạn chế tụ tập từ 10 người trở lên, đồng thời yêu cầu các bang bị ảnh hưởng nặng nhất đóng cửa trường học, quán bar và khách sạn.

Nhưng nói chung, ông Trump đã để cho từng tiểu bang và thành phơ tự quyết xem có nên đóng cửa doanh nghiệp hay bắt buộc người dân phải ở nhà hay không, bất chấp bằng chứng từ các nước châu Á, gồm Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy các biện pháp quyết liệt nghiêm cấm tụ tập nơi công cộng, kết hợp với xét nghiệm và truy lùng người tình nghi, giúp ngăn ngừa đà lây nhiễm.

Phương pháp của Trung Quốc vs phương pháp Mỹ

covid-19-dieu-trung-quoc-lam-duoc-ma-my-khong-the-bat-chuoc

Một phụ nữ đeo khẩu trang đứng lẫn trong đám đông tại New York , Mỹ – Ảnh: Getty

Ông Wang, cố vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc, cho rằng Vũ Hán là ví dụ cho thấy Mỹ và phương Tây cần bắt đầu có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những biện pháp, mà theo ông Wang, là đối với người không phải dân Trung Quốc sẽ thấy phản cảm.

“Ở Vũ Hán, không chỉ có các gia đình bị cách ly cùng nhau, mà cả cá nhân cũng bị cách ly khỏi gia đình, bạn bè của mình. Biện pháp chống dịch của Trung Quốc thật sự là một hành động được cả nước hưởng ứng một cách có hệ thống, xuyên suốt và có sự phối hợp”, Andy Mok, chuyên gia thuộc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, có trụ sở tại Bắc Kinh, bình luận. “Đó là lý do vì sao Trung Quốc có thể làm giảm số lượng nhiễm bệnh một cách đáng kể”.

Chuyên gia này còn nêu thêm ví dụ về thời điểm Vũ Hán trong đỉnh dịch, không ai được phép ra vào thành phố và thậm chí người dân chỉ được phép đến các cửa hàng thực phẩm 1 lần trong nhiều ngày.

Còn đối với dân Mỹ, vốn đã được nuôi dạy trong môi trường thiên về chủ nghĩa cá nhân, liệu họ có sẵn lòng tuân theo các biện pháp xét nghiệm virus và cách ly bắt buộc hay không.

USA Today cho biết một số quan chức y tế Mỹ đã thừa nhận rằng để kiểm soát được dịch, không kể đến việc tìm ra vắc xin, thì các biện pháp quyết liệt mà có thể khiến người dân cảm thấy khó chịu, như cách ly tập trung và nghiêm cấm đi lại, có lẽ nên được tính tới.

“Biện pháp mà chúng ta nên triển khai ngay lúc này chính là điều mà người dân có thể sẽ cảm thấy quyết liệt quá mức; bởi lẽ, nếu không, thì có nghĩa là chúng vẫn chưa đủ quyết liệt”, ông Francis Collins, giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với USA Today.

Minh Đức (Theo USA Today)

Theo Vbiz

-----

Xem thêm:

+Trung Quốc tạo kháng thể 'siêu hiệu quả' sắp ngăn ngừa hoàn toàn Covid-19

+Thế giới khát bộ test COVID-19, doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất không kịp thở

+Bệnh nhân COVID-19 quê Hưng Yên diễn biến nặng, phải thở máy từng điều trị xuất huyết não

-----