Cách ly 50 y bác sĩ là F1, Bệnh viện E chuẩn bị kịch bản xấu nhất

Qua rà soát nhanh, Bệnh viện E đã cách ly 50 nhân viên y tế là F1, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19.

22h đêm qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, Phó tiểu ban điều trị Covid-19 đã có buổi làm việc khẩn với Bệnh viện E sau khi cơ sở y tế này ghi nhận 1 ca Covid-19.

Bệnh nhân 87 tuổi ở Phú Thọ đã điều trị tại Bệnh viện E từ ngày 10/8 đến nay. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, 18h30 ngày 19/8, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.

qua-ra-soat-nhanh-benh-vien-e-da-cach-ly-50-nhan-vien-y-te-la-f1-tiep-xuc-truc-tiep-voi-benh-nhan-mac-covid-19

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trực tiếp xuống Bệnh viện E  làm việc ngay trong đêm. Ảnh: Lê Hảo

PGS Khuê cho biết, ngay khi có thông tin về ca bệnh, Cục đã yêu cầu Bệnh viện E rà soát khẩn trương toàn bộ khâu đón tiếp, điều trị cho bệnh nhân cũng như rà soát các đối tượng người bệnh, cán bộ y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân và cộng đồng.

Ngay sau đó, Cục đã thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, Trung tâm Y tế và Công an quận Cầu Giấy cùng làm việc với bệnh viện.

Qua rà soát bước đầu, bệnh viện báo cáo có khoảng 50 nhân viên y tế là F1, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hiện đã được cách ly khu riêng. Ngay trong đêm ngày 19/8, toàn bộ số này tiếp tục được xét nghiệm lần 2.

Các khoa, phòng khác đang tích cực bổ sung các khu vực người bệnh đã đến trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

qua-ra-soat-nhanh-benh-vien-e-da-cach-ly-50-nhan-vien-y-te-la-f1-tiep-xuc-truc-tiep-voi-benh-nhan-mac-covid-19

Bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân từ 20h ngày 19/8. Ảnh: Lê Hảo

Từ 20h ngày 19/8, bệnh viện đã nhận được lệnh yêu cầu tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám, không cho bệnh nhân xuất viện và tất cả nhân viên y tế đang ở trong bệnh viện không được về nhà để phục vụ công tác truy vết.

Rút kinh nghiệm bài học tại Bệnh viện Đà Nẵng, PGS Khuê yêu cầu Bệnh viện E khẩn trương có biện pháp bảo vệ những khu vực cốt tử như phòng mổ, khoa cấp cứu, khoa thận nhân tạo… nơi có những bệnh nhân nặng đang điều trị để tránh lây nhiễm chéo.

qua-ra-soat-nhanh-benh-vien-e-da-cach-ly-50-nhan-vien-y-te-la-f1-tiep-xuc-truc-tiep-voi-benh-nhan-mac-covid-19

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E. Ảnh: Lê Hảo

“Chúng tôi yêu cầu trong ngày mai phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện để tìm yếu tố dịch tễ. Ngay trong đêm, bệnh viện cũng phải chuẩn bị sẵn các kịch bản. Trong trường hợp F1 có ca dương tính cần chuyển sang trạng thái khẩn cấp, đóng băng, phong toả ngay và phải tính phương án chăm sóc an toàn cho bệnh nhân, thầy thuốc”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Hiện bệnh viện đang phối hợp cùng ngành y tế, công an khu vực thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phun thuốc, tẩy trùng toàn bộ bệnh viện.

“Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế về các phương án chống dịch bệnh viện đã đề xuất với CDC Hà Nội để có kế hoạch thật sát với diễn biến dịch”, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay.

Ngay trong tối 19/8, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế Phú Thọ, CDC Phú Thọ có mặt tại huyện Thanh Ba, nơi bệnh nhân sinh sống để khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân này trước khi đến Bệnh viện E.

Thúy Hạnh

Theo Vietnamnet

----

Xem thêm:

Quyền Bộ trưởng Y tế: Đã có 150 ổ dịch, rà soát kịch bản ứng phó

Quyền Bộ trưởng Y tế yêu cầu tất cả các địa phương phải luôn sẵn sàng có dịch, rà lại tất cả các kịch bản ứng phó.

Chiều 19/8, GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo y tế 63 tỉnh, thành.

Cần chủ động mọi tình huống

GS Nguyễn Thanh Long cho biết, trong gần 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ, các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.

Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tiếp tục tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Tại Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn “Thế giới bò tươi” – nơi có ca bệnh 867 từ khoảng ngày 25-27/7. Đến nay dịch lây ra cộng đồng, đã có 12 ca mắc. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.

Quyền Bộ trưởng Y tế yêu cầu tất cả các địa phương nâng cao cảnh giác, rà lại tất cả các kịch bản ứng phó, sẵn sàng tâm thế chống dịch Covid-19

Cơ quan chức năng xác định có khoảng 1.000 khách từng đến nhà hàng kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hiện đã qua 2 tuần nên tiếp xúc với cộng đồng rất nhiều. Do đó ngay ngày mai, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường chuyên gia đầu ngành hỗ trợ truy vết, giám sát.

Quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá, dịch giai đoạn mới diễn biến phức tạp hơn, tốc độ lây lan mạnh hơn, từng có nhiều gia đình thành ổ dịch, giai đoạn trước chỉ có 40 ổ nhưng nay đã lan 150 ổ. Và thời gian tới, sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca trong cộng đồng.

Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, GS Long cho rằng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý. Đó là lý do Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương đến hỗ trợ các địa phương.

Ông cũng nhấn mạnh, các địa phương phải chuẩn bị tâm thế dịch còn kéo dài, nếu như không có vắc xin, cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn.

“Nếu dịch xảy ra ở các địa phương khác, sẽ bùng phát không kém Đà Nẵng. Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng vẫn phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Nếu dịch xảy ra tại một tình miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch”, quyền Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.

Về tiến trình sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, GS Long cho biết, Việt Nam tìm mọi cách để tiếp cận nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có. Từ nay đến lúc đó các địa phương phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và nâng cao năng lực xét nghiệm, tránh tâm thế trông chờ, thụ động.

“Phải chủ động trong các tình huống ca bệnh tăng. Xét nghiệm rất quan trọng để nhanh chóng truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, GS Long nhấn mạnh.

Các tỉnh rà lại kịch bản ứng phó

Quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá, sau hơn nửa năm chống dịch, Việt Nam đã đúc rút được những bài học chống dịch của riêng mình, trong đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chung tay của cộng đồng.

“Bài học tiếp theo của đợt chống dịch lần này là phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc. Nếu chúng ta chần chừ sẽ rất nguy hiểm. Kế đó phải truy tìm, cách ly thật nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng. Nếu chúng ta lơ là trong cách ly F1 thì sẽ gặp khó khăn”, quyền Bộ trưởng Y tế lưu ý.

Ngoài ra, tất cả các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp phải phong toả một loạt bệnh viện gây khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu.

Vì vậy, các địa phương phải lên sẵn kịch bản để hỗ trợ, tiếp nhận các bệnh nhân trên địa bàn khi có cơ sở y tế bị “đóng băng”.

“Tôi nhấn mạnh lần nữa, chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, khoa chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế. Nếu để Covid-19 vào đây thì rất nguy hiểm. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt thì sẽ không có Covid mà phải sẵn sàng tâm thế chống dịch quyết liệt”, GS Long nhấn mạnh.

Ông yêu cầu các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế về phân luồng, cách ly, giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện.

Trước mắt, tất cả cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính với SARS-CoV-2 để nâng cao ứng phó và cảnh giác thật nhanh nếu không sẽ bị luống cuống.

“Chúng ta chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi vì thế phải rà soát ngay”, GS Long chỉ đạo.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm, tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu... và chuẩn bị bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.

Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt... Trường hợp nào không báo cho cơ sở y tế sẽ bị xử lý nghiêm.

 “Đối với các bệnh viện, nếu để bệnh nhân nghi ngờ “lọt” thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm”, quyền Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.

Thúy Hạnh

Theo Vietnamnet