Căn bệnh ung thư diễn viên Mai Phương mắc phải thuộc top quái ác hàng đầu

Tại nước ta, ung thư phổi chiếm tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nam giới. Với nữ giới, ung thư phổi phổ biến thứ 3 sau ung thư vú, dạ dày.

Vừa qua, khi xác nhận với Zing, anh Phạm Thành Trung - quản lý cũ của MC, diễn viên Mai Phương cho biết: "Mai Phương mới phát hiện ung thư phổi cách đây không lâu. Phương đang điều trị ở Bệnh viện 175, TP.HCM. Mọi người đều xót xa khi Phương phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn cuối".

Căn bệnh ung thư diễn viên Mai Phương mắc phải thuộc top quái ác hàng đầu

MC, diễn viên trẻ Mai Phương và con gái

Trước đó, nghệ sĩ Hán Văn Tình, ca sĩ Minh Thuận cũng đã qua đời vì bệnh ung thư phổi.

Ung thư phổi: Hàng đầu với nam, thứ 3 với nữ

Tại Việt Nam, dù chưa xác định nguyên nhân chính xác, rõ ràng dẫn đến ung thư phổi nhưng khoảng 90% bệnh nhân có tiếp xúc với thuốc lá, khói thuốc lá. Các bác sĩ cho biết, ung thư phổi nguyên phát là bệnh lý ác tính rất phổ biến với xu hướng ngày càng gia tăng về tỉ lệ mắc. Cho đến nay, ung thư phổi vẫn là bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ 45 đến 70.

Cũng ở nước ta, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Đây là ung thư phổ biến nhất ở nam giới và chiếm tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở nam giới. Ở nữ, ung thư phổi phổ biến thứ 3, sau ung thư vú, dạ dày.

Số ca mắc mới ung thư phối ở nam năm 2000 chỉ là 6.905 ca với tỉ lệ 29,3 người/100.000 dân, đến năm 2010 số ca mắc đã là 14.652 ca và tăng tỉ lệ lên 35,1 ca/100.000 dân. Dự báo, đến năm 2020, số ca mắc mới có thể lên tới 23.000 ca ở nam giới và hơn 34.000 ca ở cả 2 giới.

Ung thư phổi có 2 loại chính. Thứ nhất là ung thư phổi tế bào không nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 85-87% tổng số ca. Với đặc điểm phát triển chậm hơn so loại còn lại nên có đến 40% trường hợp được chẩn đoán phát hiện bệnh thì ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

Thứ hai là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 13% -15% tổng số ca. Ung thư này hoạt động rất mạnh và lan truyền nhanh, hầu hết các trường hợp được chẩn đoán đều đã ở giải đoạn nặng, khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Bệnh ung thư phổi khó sàng lọc, khó phát hiện sớm

Điều đáng nói là, đây là một trong những loại ung thư khó sàng lọc, phát hiện sớm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng. Các biểu hiện như ho dai dẳng, tức ngực, khó thở, ho ra máu... không phải là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh.

GS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến điều trị rất khó khăn, thời gian sống thêm không nhiều. Cụ thể, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào lớn khoảng 18%.

Hiện Việt Nam cùng với nhiều nước đang áp dụng hướng đi mới trong phát hiện sớm ung thư phổi, xét nghiệm dấu dấu ấn sinh học (dùng các chất chỉ điểm) để phát hiện sớm ung thư, được xét nghiệm dựa trên mẫu máu của bệnh nhân.

Dấu ấn ung thư hay còn gọi là dấu ấn khối u là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra do sự phát triển ung thư.

Các xét nghiệm trong tầm soát ung thư phổi

Để tầm soát ung thư phổi, bệnh nhân cần phải thực hiện các phương pháp thăm khám, chẩn đoán hình ảnh sau:

- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng lâm sàng và hỏi tiền sử bản thân, gia đình

- Chụp X-quang phổi: Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện u phổi, nhưng với những tổn thương nhỏ đôi khi không thấy, kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn, kể cả những tổn thương nhỏ, có thể thấy hạch trung thất, tổn thương di căn phổi, màng phổi.

- Nội soi phế quản: Giúp bác sĩ quan sát được khối u xuất phát từ phế quản và thực hiện được các kỹ thuật để lấy bệnh phẩm làm tế bào học, mô bệnh học như sinh thiết phế quản, chải rửa phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành ở vùng tương ứng với khối u.

- Xét nghiệm mô bệnh học: Phương pháp này giúp chẩn đoán xác định thông qua bệnh phẩm được lấy từ nội soi phế quản, hoặc qua sinh thiết xuyên thành ngực dưới dẫn cắt lớp vi tính.

- Một số xét nghiệm đánh giá tình trạng di căn: PET/CT, xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ sọ não; siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng

- Xét nghiệm máu chỉ điểm khối u như: CEA, SCC, Cyfra 21-1.

Cách phòng ngừa ung thư phổi

- Không nên lạm dụng các vitamin. Trong đó có chất beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi.

- Ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể.

- Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều, không hút thuốc lá là cách tốt nhất để ngừa ung thư phổi cho chính mình và những người xung quanh.

- Ngoài khói thuốc lá, khói dầu sinh ra trong quá trình nấu nướng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Một số thành phần có trong dầu thực vật ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư; nhiệt độ càng cao, lượng sản sinh ra càng nhiều. Hơn nữa, chúng ta lại thường xuyên ăn đồ chiên xào, có thói quen dùng nhiều dầu, sẽ làm nguy cơ này tăng cao hơn.

Theo GiaDinh