Tỉnh táo với các chiêu lừa vay tiêu dùng hay 'bẫy' tín dụng đen

Vay tiêu dùng theo hình thức trả góp mang đến nhiều lợi ích, nhưng cũng từ đó sinh ra những bất cập, tín dụng đen bành trướng.

Thông tin về vụ việc hàng trăm nghìn người bị dụ dỗ mua bộ mua bộ mỹ phẩm của công ty A với trị giá 43 triệu đồng theo hình thức trả góp dư luận lại một lần nữa hoang mang về sự nhập nhoạng giữa các tổ chức cho vay tài chính và tín dụng đen trong giai đoạn hiện nay.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 10 năm, từ năm 2007 cho tới cuối năm 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỷ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước. Trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất đối với cho vay mua hàng trả góp dao động từ 10 – 25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm.

Tỉnh táo với các chiêu lừa vay tiêu dùng hay 'bẫy' tín dụng đen

 Cần xem xét kĩ lưỡng trước khi quyết định vay tiêu dùng. Ảnh minh họa

Các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp có khả năng gây ảnh hưởng, thậm chí là nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Cũng theo khiếu nại, nhân viên tư vấn của các công ty tài chính thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn. Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng. Thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng.

Đặc biệt, còn có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, khách hàng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất cao.

Ngoài ra, thời gian gần đây, các đơn vị cho vay kết hợp với các đơn vị bán hàng triển khai loại hình cho vay mới là trả góp. Ngoài các loại hình cho vay trả góp để mua điện thoại, máy tính, xe máy… Gần đây, danh mục hàng hóa đã mở rộng sang mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Khi có nhu cầu mua trả góp, khách hàng sẽ được nhân viên giới thiệu gói tài chính hỗ trợ 0% lãi suất, người vay tiền chỉ phải trả góp tiền gốc hàng tháng. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo, rất dễ lầm tưởng về mức 0% lãi suất và quyết định vay mà không tính toán số tiền tổng phải trả cao hơn giá gốc rất nhiều.

Để tránh "tiền mất tật mang", trước khi đặt bút kí kết vào bất cứ hợp đồng nào, người tiêu dùng cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay, ví dụ: mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm... Chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ. Khi phát sinh tranh chấp, nên ưu tiên sử dụng các hình thức liên hệ có lưu vết, ví dụ: gửi email, gửi thư qua bưu điện.

Theo VietQ