WHO: 'Chủng nCoV mới ở Đà Nẵng không đáng ngại'

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết biến thể nCoV phát hiện ở Đà Nẵng tương tự với các chủng đang lưu hành ở nhiều quốc gia.

Ngày 29/7, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định virus ở Đà Nẵng tương tự với chủng ghi nhận trên thế giới trong suốt tháng 7.

"Dựa trên những hiểu biết đã có, sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh không thay đổi. Hiện chưa bằng chứng nào cho thấy các đột biến khiến virus tăng hay giảm độc lực, cũng như làm triệu chứng ở người bệnh năng hơn", ông nói.

Nhận định này được ông Park đưa ra sau một số thông tin cho rằng chủng nCoV ở Đà Nẵng có thể lây lan mạnh mẽ hơn so với trước đó.

Đường phố vắng lặng, quán xá đóng cửa... là cảnh tượng dễ thấy ở Hội An, Quảng Nam giữa thời điểm Covid-19 bùng lên. Ảnh: Xuân Tan

Hiện nay, đột biến nCoV lây lan rộng nhất trên thế giới có tên gọi D614G. Biến chủng này không mới, thường được gọi là thể G, xuất hiện lẻ tẻ trong các mẫu bệnh phẩm của người nhiễm nCoV từ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán cho đến tận tháng 2.

Tuy nhiên, khi xâm nhập vào Mỹ và các nước châu Âu, thể G tăng lên nhanh chóng. Các phân tích chỉ ra rằng hiện nay chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới, gần 100% tại châu Âu. Đột biến này của nCoV chỉ lây lan mạnh, độc tính không đổi.

Hiện chưa chắc virus lây lan ở Đà Nẵng có thuộc chủng D614G hay không.

Song, chỉ trong 6 ngày qua, Việt Nam ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới. Trong đó, 37 bệnh nhân được phát hiện ở Đà Nẵng.

Tính đến nay, tổng số trường hợp dương tính tại Việt Nam là 459, trong đó 369 người đã điều trị khỏi, chưa có ca tử vong.

Hơn 81.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 472 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Thục Linh

Theo Free News/VNExpress

----

Xem thêm:

Hà Nội, TP HCM hoàn toàn có khả năng cao xuất hiện ca mắc COVID-19 mới

Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP HCM, có người giao lưu đi lại, du lịch tại Đà Nẵng. Những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

Các chuyên gia nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 29/7.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo về diễn biến tình hình dịch bệnh; chuẩn bị trang thiết bị xét nghiệm, điều trị; tổ chức thi tốt nghiệp, lễ hội, hoạt động du lịch;… trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong mấy ngày qua, chúng ta đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó, có 27 ca ở Đà Nẵng, 2 ca ở Quảng Nam, 1 ca ở Quảng Ngãi. Phần lớn các ca bệnh đều liên quan tới các bệnh viện tại Đà Nẵng.

Theo dõi chặt các ca nhiễm không liên quan đến nhóm bệnh viện ở Đà Nẵng

Theo các chuyên gia, phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Tuy nhiên, một vấn đề được các chuyên gia lưu ý, là bên cạnh tiếp tục theo dõi chặt ổ dịch tại 3 bệnh viện trên, phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện này và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

ha-noi-tp-hcm-hoan-toan-co-kha-nang-cao-xuat-hien-ca-mac-covid-19-moi

Toàn cảnh cuộc họp sáng 29/7. Ảnh: VGP

Đáng lưu ý, các chuyên gia nhận định, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng (trong đó có thành phố Hà Nội và TPHCM), do vậy những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng, các văn bản, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có rất đầy đủ, trong đó Chỉ thị số 19/CT-TTg. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị này có phần lơi lỏng, do đó, bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19.

Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng.

Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Tăng cường tầm soát, sàng lọc, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ tại cơ sở khám chữa bệnh

Qua thực tiễn ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh ngành Y tế là lực lượng xung kích đi đầu trong chống dịch, phải gương mẫu trong việc nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến mới.

Về công tác tổ chức đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng, rà soát, điều tiết kế hoạch đưa công dân về nước phù hợp.

Về quản lý hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội,… đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nêu quan điểm cần hạn chế tối đa để bảo đảm an toàn.

Các chuyên gia và Ban Chỉ đạo cũng đề nghị lực lượng chức năng, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải đề cao cảnh giác; tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh, đường biên giới, đường mòn lối mở; quản lý các tổ bay; nâng cao năng lực truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch để bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước. 

V.Thu

Theo GiaDinh

+Có 5 ca nghi mắc COVID-19, Hội An phong tỏa một khối phố

+Đôi vợ chồng nhặt được túi nilông đựng 6 cây vàng: Cứ nghĩ vàng giả nên treo ngoài xe rác

+Đà Nẵng xác định được hơn 7.800 người là F1, F2 của bệnh nhân Covid-19
-----