Bất ngờ nhận kết quả ung thư tuyến tiền liệt dù đang khỏe mạnh, cảnh báo dấu hiệu dễ bỏ qua

Ông N.V tự nhận mình khỏe mạnh, không có biểu hiện gì nhưng đi khám không hiểu sao nhận kết quả ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Nghe lời giải thích của bác sĩ, ông mới biết các dấu hiệu gặp phải nhưng lại bỏ qua.​

Ông N.V, 84 tuổi ở Hà Nội cho biết, mấy năm ông luôn giữ mức cân nặng ổn định. Vào năm ngoái ông giảm cân nhiều, gia đình mới đưa đi kiểm tra. Vào bệnh viện nội soi dạ dày, có xét nghiệm nhưng kết luận mọi thứ đều tốt. Khi bị đau hông, lưng ông vào viện điều trị 10 ngày.

Về nhà một thời gian, ông bị mệt, nổi hạch ở cổ nên vào bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Kết quả sinh thiết khẳng định ông mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn IV. Đến giờ, ông vẫn không tin vào sự thật này dù đang uống thuốc điều trị bệnh.

Bản thân ông V luôn nhận mình là người có sức khỏe tốt. Ông băn khoăn vì không thấy cơ thể có gì bất thường, đi tiểu bình thường, không ra máu. Ông cũng không thấy tiểu buốt, tiểu rắt và ăn uống cũng rất ngon miệng mà lại mắc ung thư giai đoạn cuối khi vẫn khỏe mạnh.

bat-ngo-nhan-ket-qua-ung-thu-tuyen-tien-liet-du-dang-khoe-manh-canh-bao-dau-hieu-de-bo-qua

Ảnh minh họa

Trước băn khoăn của bệnh nhân, TTND.TS.BSCC Hoàng Văn Tuyết – Trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK Phương Đông) - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, có rất nhiều người cũng bất ngờ khi khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì mà lại bị ung thư.

Ung thư chính là vậy, nhiều khi không có dấu hiệu gì nhưng bệnh đã tiến triển. Bởi vậy mà đòi hỏi mọi người cần phải đi thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư sớm là vậy.

Ung thư tiền liệt tuyến trước kia ở nước ta ít gặp nhưng thời gian gần đây số lượng mắc ngày càng nhiều hơn. Điều này là nhờ tiếp cận các hệ thống máy móc y khoa hiện đại áp dụng trong công tác điều trị cũng như trong chẩn đoán bệnh sớm. Chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm tầm soát sớm ung thư như làm xét nghiệm định lượng PSA tự do, PSA toàn phần, sinh thiết hạch cổ…

Riêng ung thư tiền liệt tuyến diễn biến âm thầm. Đa phần các trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã có những dấu hiệu di căn, còn tại chỗ không có dấu hiệu.

Ung thư tiền liệt tuyến có tới 70-80% được phát hiện đôi khi là từ hạch di căn ở nơi nọ nơi kia. Đôi khi là bệnh di căn ở phổi, bụng, đặc biệt là hướng di căn đến xương là chủ đạo.

Có những người chỉ đau xương đùi, đau hông, đau lưng… đi khám và làm các xét nghiệm cho thấy tổn thương, tổn thương ung thư. Với trường hợp như ông V, đau lưng là dấu hiệu phản ánh chiếm 80% chẩn đoán ban đầu ung thư tuyến tiền liệt.

BS Tuyết cũng cho biết, với ung thư tiền liệt tuyến quan trọng nhất là lúc phát hiện còn khi phát hiện điều trị tiên lượng tốt. Mổ bỏ, uống thuốc, một tháng đi kiểm tra một lần rất tích cực…

Như trường hợp của ông V bệnh đã ở giai đoạn 4 là đúng vì đã có dấu hiệu đau lưng, di căn hạch. Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của các loại ung thư nhưng với ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn tiên lượng tốt.

Theo bác sĩ, dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt mà nhiều người cảm nhận được nhưng cũng dễ bỏ qua nhất là đau lưng. Khi phát hiện bệnh, có tới 80-90% người bệnh đều có dấu hiệu này.

Ngoài ra, một số dấu hiệu mọi người không nên chủ quan để phát hiện sớm bệnh ung thư tiền liệt tuyến như sau: Giảm cân nhiều, đau lưng, hông; Tiểu đau buốt hoặc rát, đôi khi bí đái; Có máu trong nước tiểu; tiểu đêm…

Ở người lớn tuổi những vấn đề như tiểu khó khăn, bí tiểu…, thậm chí tiểu ra máu cũng hay gặp và không phải lúc nào cũng là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt. Bởi vậy mà nhiều người chủ quan. Để phát hiện bệnh sớm giúp điều trị tốt, mọi người cần chú ý tới các dấu hiệu này và đi khám kịp thời.

Theo GiaDinh