Bí quyết cho trẻ bú sau kì thai sản một cách khoa học

(BaoveNTD) - Sau thời kì nghỉ thai sản, các mẹ phải trở lại với công việc. Thông thường, lúc này bé được khoảng 4 tháng tuổi. Khi quay lại với công việc thì làm sao để đảm bảo việc trẻ cần bú 6 tháng hoàn toàn bằng sữa mẹ?

Mẹ cho bé bú mẹ hoàn toàn có tiếp tục bú mẹ hay cho bé bú dặm sữa công thức khi quay về công việc? Làm cách nào lượng sữa mẹ không giảm và hạn chế các vấn đề khi quay về công việc? Làm sao ổn định tâm lý cho bé khi mẹ quay về công việc?

Hãy cùng giải đáp những thắc mắc trên để có những quyết định đúng đắn và khoa học nhất cho trẻ.

Bí quyết cho trẻ bú sau kì thai sản một cách khoa học

Độ tuổi nào của bé mẹ có thể suy nghĩ quay về công việc mưu sinh?

Nhiều mẹ vì tính chất công việc thường phải quay về công việc khi bé còn nhỏ < 6 tháng tuổi. Nhưng nếu bạn có sự lựa chọn thì các chuyên gia dinh dưỡng Anh Quốc khuyên: "Bạn nên cho bé bú đủ ít nhất 6 tháng đầu tiên bằng sữa mẹ hoàn toàn trước khi quyết định quay lại công việc mưu sinh và xa bé 1 thời gian trong ngày để làm việc”.

Độ tuổi này sẽ giúp bé tự điều chỉnh tâm lý xa mẹ tốt hơn và bé ít bị các vấn đề tăng trưởng vì bé cũng đang bắt đầu tập ăn dặm.

Có nên cho bé bú sữa công thức khi quay về công việc không?

Câu trả lời của những bác sĩ chuyên khoa Nhi luôn luôn là “không” nếu bạn đang cho bé bú mẹ hoàn toàn. Đơn giản vì hầu hết các bé sẽ khó chấp nhận sữa công thức và sữa mẹ trong thời gian này, làm bé sẽ khó chấp nhận sữa mẹ hơn, bú mẹ cũng ít hơn và sữa mẹ lại càng tiết ít hơn.

Hơn nữa, nhiều bạn nghĩ rằng sữa công thức sẽ làm bé tăng trưởng tốt hơn khi mẹ vắng nhà. Nhưng trên thực tế là ngược lại, bé không nhận thêm lợi ích nào từ sữa công thức, mà việc bé chán sữa mẹ là điều mà chúng tôi lo lắng hơn vì nguy cơ mất sữa là rất cao.

Khi quay về công việc, cho bé bú như thế nào là hợp lý 

Trước 2 tuần ngày bắt đầu làm việc:

Bạn nên làm quen với việc vắt sữa bằng tay ra bình sạch trong ngày và cho 1 người thân khác bạn (người mà sẽ chăm sóc bé khi bạn vắng nhà) cho bé uống chỉ 1 hoặc 2 thời điểm nhất định trong ngày. Các cữ khác là vẫn cho bé bú mẹ bình thường.

Khi cho bé bú mẹ, bạn thường xuyên nói với bé rằng: 2 tuần nữa mẹ vắng bé khoảng vài tiếng, con có nhớ mẹ không, mẹ cũng nhớ con, mẹ có để sữa cho con ở nhà với bà ngoan nhé".

Luôn nói điều này cho bé biết, mặc dù bé chưa đáp ứng lại bạn, nhưng việc cho bé biết trước điều mà bé sắp trải qua sẽ làm bé cân bằng tâm lý hơn sau đó - Ts.Bs. Joan, Khoa sản BV London, đã khuyên điều này.

Bí quyết cho trẻ bú sau kì thai sản một cách khoa học

Ảnh minh họa: Bí quyết cho trẻ bú sau kì thai sản một cách khoa học 

Những ngày làm việc

Bạn nên thức sớm hơn và cho bé bú 2 cữ: 1 cữ khi bé thức và 1 cữ trước khi đi làm (cữ này bú ngắn hơn cữ trước).

Trong những giờ làm việc, bạn nên dành 2-3 lần vắt sữa ra (có thể giữa sáng, giờ cơm trưa, hoặc giữa chiều).
Luôn để hình con của bạn trên bàn làm việc để lúc nào bạn cũng nhớ đến bé, điều này làm việc vắt sữa sẽ dễ dàng hơn.

Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt

Tại cơ quan, sau khi vắt vào 1 bình đựng sạch và có nắp đậy kín. bạn có thể bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh trong 48 tiếng. Nếu cơ quan bạn không có tủ lạnh, thì có thể để nhiệt độ phòng (<26 độ C) trong 4 tiếng.

Nên sử dụng sớm nhất có thể. Nếu không sử dụng ngay thì nên trữ đông.

Khi kết thúc ngày làm việc về nhà

Theo lời khuyên của Văn phòng sức khỏe Florida, Mỹ: Khi về nhà, đừng cho bé bú liền vì điều này thường làm bé có tâm lý chỉ bú mẹ, và không chịu bú bình (dù là sữa mẹ) hoặc ăn dặm.

Bạn nên dành 30 phút cho bé làm quen lại với vú mẹ, âu yếm và trò chuyện với bé, cho bé chơi và từ từ cho bé ngậm vú lại.

Đừng quá ngạc nhiên khi bé đòi bú bạn nhiều lần khi gặp bạn. Và có thể bé sẽ đòi bú đêm nhiều hơn. Khi bé đã hơn 6 tháng tuổi, tăng trưởng bình thường và ăn dặm tốt, có thể giảm hoặc chuyển bú đêm gần về sáng sớm.

Ví dụ: bé bú đêm 3 cữ: 12 giờ sáng, 2 giờ và 4 giờ
Bạn giảm dần cử 12 giờ, chuyển dần cho cữ 2 giờ bú và 4 giờ. Vài ngày - 1 tuần, chuyển dần sang cữ 4-4.30 giờ sáng cho bé bú.

Với những chỉ dẫn chi tiết ở trên chắc hẳn các mẹ đã có thể vừa yên tâm quay trở lại công việc vừa đảm bảo bé yêu vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Tư liệu: Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Hoàng Anh (Thành phố Worcestershire, Anh Quốc)

Xuân Anh Lê