Cà phê Nestle Thụy Sĩ cũng trộn đậu nành ở Việt Nam

Ít ai nghĩ rằng Nescafé – một thương hiệu cà phê quốc tế uy tín trực thuộc công ty Nestle có trụ sở tại Thụy Sĩ – cũng sản xuất ra loại cà phê có có độn ngũ cốc ở thị trường Việt Nam.

Chuyện cà phê Việt Nam có trộn đậu nành, bắp rang cháy cùng các loại hóa chất khác nhau đã trở thành một sự thật không thể chối cãi hiện nay, nhất là sau hàng loạt vụ kiểm tra đột xuất của các cơ quan chức năng với các cơ sở chế biến cà phê thời gian gần đây. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng Nescafé – một thương hiệu cà phê quốc tế uy tín trực thuộc công ty Nestle có trụ sở tại Thụy Sĩ – cũng sản xuất ra loại cà phê có có độn ngũ cốc ở thị trường Việt Nam.

Thế giới không độn, nhưng ở VN thì phải độn

Trong buổi tọa đàm Cà phê bẩn – Thực trạng và Giải pháp do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ TP HCM tổ chức ngày 20-7 vừa qua, đại diện của Nestle đã thừa nhận việc các sản phẩm cà phê của của mình “có lẫn đậu nành”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (Giám đốc nhà máy Nestle Vietnam) thì dòng cà phê Red Cup là được chế biến từ 100% hạt cà phê rang, xay, còn các dòng cà phê hòa tan còn lại đều phải trộn thêm các thành phần khác.

Cà phê Nestle Thụy Sĩ cũng trộn đậu nành ở Việt Nam

Khi được hỏi quy chuẩn cà phê của Nescafé trên thế giới có trộn đậu nành và phụ gia hay không, ông Ngọc trả lời: “Không, Nescafe trên thế giới không trộn đậu nành”. Phóng viên hỏi tiếp: “Vậy tại sao Nescafe sản xuất ở Việt Nam lại trộn?” – Bà Lê Thị Hoàng Yến (Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị công ty Nestlé Việt Nam) trả lời: “Ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng có rất nhiều khẩu vị cà phê khác nhau.

Vấn đề đặt ra là chúng tôi phải đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó như thế nào. Nếu chỉ tập trung vào thực trạng vấn đề cà phê bẩn, thì có thể chúng ta sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu về khẩu vị của người tiêu dùng. Cho nên, nếu chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam (không ưa chuộng cà phê nguyên chất) thì liệu đây có phải là một định hướng mà chúng ta nên theo đuổi hay không?”

Cà phê Nestle Thụy Sĩ cũng trộn đậu nành ở Việt Nam

Vậy là quả bóng được đá về phía người tiêu dùng. Nghĩa là người tiêu dùng VN sẽ phải chịu trách nhiệm chính về khẩu vị cà phê có độ sánh, ngọt, đậm, đắng của mình trong nạn cà phê trộn và pha hóa chất hiện tại. Còn các doanh nghiệp cà phê dù lớn hay nhỏ, quốc tế hay nội địa đều cũng chỉ làm công việc thỏa mãn người tiêu dùng mà thôi?

Không công bố hàm lượng vì sợ lộ bí quyết

Góp mặt trong buổi tọa đàm, ngoài sự hiện diện của đại diện các ban ngành chức năng còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp cà phê lớn như Nescafé, Vinacafé, Mê Trang, Milano... Riêng Trung Nguyên lại vắng mặt một cách khó hiểu trong cuộc đối thoại quan trọng của ngành cà phê Việt.

Trước câu hỏi thẳng thắn của tọa đàm: “Các doanh nghiệp nhỏ sản xuất cà phê trộn đã đành, còn cà phê của các thương hiệu lớn của các anh có trộn không?” Nhiều đại diện của các hãng này đành thừa nhận việc trộn “các thành phần khác” là không thể thiếu đối với các dòng sản phẩm cà phê có giá thành thấp. Ông Bùi Huy Hiệu (Giám đốc tiếp thị của Công ty Mê Trang) thừa nhận: “Các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng phải trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch, công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn”.

Các doanh nghiệp cũng giải thích việc trộn đậu nành, bắp và hương liệu, phụ gia vào cà phê là để chiều theo gu thương thức cà phê sánh, đậm, đắng của người Việt lâu nay.Như khi được hỏi tại sao không công bố rõ ràng danh mục các thành phần, đặc biệt là tỉ lệ phần trăm cà phê và đậu nành trên bao bì của mình, doanh nghiệp này cho rằng đây là “bí quyết riêng.

“Việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi luôn đảm bảo công bố cụ thể thông tin đó. Tuy nhiên khi đưa ra thông tin trên bao bì thì chúng tôi chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính còn những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì chúng tôi không ghi ra nhằm bảo vệ thông tin bảo mật về thành phần sản phẩm”, đại diện Nescafé cho biết.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: “ Công khai thành phần phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự công bố theo luật an toàn thực phẩm. Trong đó nếu anh đã thông bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết. Tại sao vẫn là chất này nhưng không sản xuất ra sản phẩm như thế, đó mới là bí quyết. Chứ bí quyết không phải là 12% - 13% đậu nành, chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này”

Cần sự minh bạch từ các ông lớn ngành cà phê

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thảo luận đã nêu bật ra tầm quan trọng của việc minh bạch các thành phần có trong cà phê được sản xuất trong nước, ở tất cả các phân khúc cà phê, nhất là cà phê hòa tan. Những công bố của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho thấy qua việc kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê đã phát hiện hàng loạt trường hợp sử dụng các loại hóa chất hương liệu không đảm bảo chất lượng: đường hóa học sodium cyclamate, thuốc kí ninh, chất tạo màu, chất tạo bọt...

Theo ông Đinh Văn Mạnh – Phó đội trưởng Phòng 7, C49 thì: “Nếu họ dùng những loại hương thực phẩm có công bố tiêu chuẩn đàng hoàng thì không nói gì, nhưng theo tôi biết những loại hương liệu này chưa đủ độ mạnh để tạo độ sánh, độ đặc của cà phê nên đa số họ dùng loại hương mạnh hơn, mua ở ngoài chợ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng”.

Chính điều này đã gây hoang mang cho một bộ phận không nhỏ người uống cà phê ở Việt Nam khi những mỹ từ được ghi trên bao bì sản phẩm như “Nguyên chất”, “Thứ thiệt”, “Đảm bảo”, “100%”, “Rang xay từ hạt cà phê cao nguyên”... hoàn toàn khác xa kết quả kiểm nghiệm được công bố từ các cơ quan chức năng.

Những cuộc khảo sát của Vinastas tuy mới chỉ được thực hiện trên phạm vi của một vài thành phố nhưng đã như một hồi chuông đánh động cần thiết đến các cơ quan chức năng về thực trạng này. Từ đó, Vinastas nêu ra yêu cầu được biết của người tiêu dùng. Đó là quyền được thông tin một cách đầy đủ và chính xác về loại cà phê mà họ đang bỏ tiền ra để mua và sử dụng hàng ngày.

Rõ ràng cuộc chiến chống lại cà phê bẩn, cà phê giả không chỉ là cuộc chiến của riêng các ban ngành chức năng nhất trong tình hình hiện nay khi Việt Nam vẫn chưa hề có một quy chuẩn quốc gia về cà phê như nước láng giềng Thái Lan, vậy nên chất lượng cà phê Việt rất thất thường, phức tạp tùy theo cách làm của các nhà sản xuất khác nhau. Cuộc chiến này chỉ thật sự có kết quả khả quan nếu như có được những giải pháp mang tính hành động cao từ những doanh nghiệp đầu ngành cà phê.

Ngoài việc nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp này cũng cần phải trung thực trong quảng cáo, minh bạch rõ ràng trong cà phê của mình có gì, bao nhiêu phần trăm thật sự là cà phê... Và như một cú hích đầu tiên cho lời tuyên chiến này, ngay tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tân Kỷ - Giám đốc Vinacafe Biên

Hòa đã mạnh miệng tuyên bố: “Từ ngày mai công ty chúng tôi sẽ bắt tay vào nghiên cứu cà sản xuất loại cà phê 100% chỉ có cà phê, không pha trộn. Cà phê thì phải làm từ cà phê!”

Hy vọng sự quyết tâm của doanh nghiệp là thật, cùng với sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các ban ngành liên quan, để ra đời một quy chuẩn cà phê cho Việt Nam thì chúng ta mới có cơ may chiến thắng trong cuộc chiến với cà phê bẩn, độc, trộn ngay trên vùng đất cà phê.

Theo PV (Kienthuc)