Cảnh báo: Chiêu trò giả mạo trang web bán vé concert lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng sức nóng từ sự kiện biểu diễn của những nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng nhiều đối tượng đã lập ra các website giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của người hâm mộ.

Thời gian gần đây Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp nhận nhiều phản ánh về website giả mạo nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert của những nhóm nhạc nghệ sĩ nổi tiếng thế giới về buổi diễn tại Việt Nam.

canh-bao-chieu-tro-gia-mao-trang-web-ban-ve-concert-lua-dao-chiem-doat-tai-san

 Trang ticketb0x.com (phải) bắt chước theo Ticketbox (ticketbox.vn)

Mới đây ngày 26/9, vé xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc Westlife tại Việt Nam đã được mở bán chính thức trên nền tảng trực tuyến Ticketbox. Sau khi vé sự kiện được bán hết trên nền tảng trực tuyến, một bộ phận người dùng đã tìm đến các nguồn bán vé không chính thống và có nguy cơ rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo.

Trước đó vé concert của BLACKPINK tại Hà Nội được mở bán bắt đầu từ ngày 7/7, cũng thông qua nền tảng Ticketbox. Nhưng chỉ sau 1 ngày mở bán, một website giả mạo web đặt vé đã xuất hiện. Một trang fanpage giả mạo fanpage chính thức của Ticketbox cũng được lập ra, sao chép bài đăng từ kênh gốc, nhưng gắn link của web bán vé giả.

Ticketbox cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo trực tuyến khi xuất hiện một số trang web giả mạo đăng tải những thông tin bán vé không chính xác, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng.

canh-bao-chieu-tro-gia-mao-trang-web-ban-ve-concert-lua-dao-chiem-doat-tai-san

 Fanpage Ticketbox chính thức có tích xanh, các page khác đều là giả. Ảnh chụp màn hình

Các đối tượng thay đổi tên miền so với địa chỉ trang web chính thức và tạo một trang web lừa đảo với thiết kế web gần như giống hệt nhau để đánh lừa người mua. Hiện nay, website giả mạo này đã được Cục An toàn Thông tin xử lý và không thể truy cập.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác và hết sức cẩn trọng khi thực hiện bất cứ giao dịch mua bán nào trên mạng xã hội để tránh mắc bẫy lừa đảo trực tuyến. Cụ thể, không mua vé trên các trang web, fanpage, nhóm hoặc cá nhân vì không rõ nguồn gốc, không xác thực được; chỉ mua trên trang web chính thống của sự kiện.

Người dùng chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Ở cuối website của các trang chuẩn thường có phần "Đã đăng ký với Bộ Công Thương," "Đã thông báo với Bộ Công Thương." Người hâm mộ cẩn trọng khi mua vé chợ đen, tránh bị mua vé giá cao hoặc bị lừa mua vé giả mạo.

Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người hâm mộ bình tĩnh, sáng suốt, chờ những thông tin chính thức từ Ban Tổ chức thay vì sốt sắng dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Theo VietQ