Chỉ được nhận con riêng của vợ làm con nuôi

Do hoàn cảnh khách quan, bạn gái tôi có một con riêng năm nay đã 7 tuổi, dự kiến chúng tôi sẽ kết hôn vào tháng 10/2015. Vì trong giấy khai sinh của con riêng bạn gái tôi không có tên người cha nên khi đi học, cháu thường bị bạn bè cùng lớp trêu là “không có bố”.

Hiện tôi muốn bù đắp điều này cho cháu bé đỡ tủi thân. Tôi muốn làm lại giấy khai sinh cho cháu, đổi họ cháu theo họ của tôi và để tên tôi là cha của cháu có được không? Thủ tục như thế nào?

Trần Kim Thành

(Huyện Sơn Dương, Tuyên Quang)

Vì bạn không phải là cha đẻ của cháu, do vậy nếu bạn muốn cải chính lại giấy khai sinh của cháu, đổi họ của cháu theo họ của bạn, bổ sung phần tên người cha là tên của bạn thì bạn cần phải làm các thủ tục để nhận con riêng của cô ấy làm con nuôi. Theo quy định tại Khoản 2 (Điều 24, Luật Nuôi con nuôi) thì cha, mẹ nuôi có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi, họ tên của con nuôi.

Nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của con nuôi; nếu con nuôi dưới 14 tuổi thì việc thay đổi họ, tên được thực hiện tại UBND cấp xã/phường nơi đã đăng ký khai sinh trước đây. Nếu con của bạn từ đủ 14 tuổi trở lên thì việc thay đổi họ, tên được thực hiện tại UBND cấp quận/huyện đã đăng ký khai sinh trước đây.

Tại Điều 5 (Luật Nuôi con nuôi) quy định về “Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế” thì bạn thuộc hàng ưu tiên thứ nhất để lựa chọn gia đình thay thế cho con riêng của cô ấy. Theo đó, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện như đây: Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài; Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Thủ tục nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận con nuôi; Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm: Giấy khai sinh; Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp; Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 6 tháng.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, bạn nộp hồ sơ tại UBND cấp xã/phường nơi cháu bé thường trú hoặc nơi bạn thường trú. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã/phường nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì UBND cấp xã/phường tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch.

Trường hợp UBND cấp xã/phường từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do. Bên cạnh đó, UBND cấp xã/phường nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi”.

Theo Luật sư Nguyễn Thu Anh (GiadinhNet)

(Đoàn Luật sư Hà Nội)