Chỉ hít phải khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 30%

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam, năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra (như: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Tại Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ 25-31/5.

Năm 2018, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” cho Ngày Thế giới không khói thuốc.

Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó, có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh nguy hiểm như đột quỵ - căn bệnh hiện đang gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như Việt Nam. Việc hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá dù không hút) cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 30%.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ 25-31/5, chiều 25/5, Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã tổ chức Lễ mit tinh, cam kết thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường nơi làm việc không khói thuốc lá của đoàn viên, thanh niên Bệnh viện 198.

Phát biểu tại đây, Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, ngành Công an đã nỗ lực đưa công tác Phòng chống tác hại thuốc lá trong cán bộ, chiến sĩ và học sinh, sinh viên, dần đi vào nề nếp, thu được kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2017, số cán bộ, chiến sĩ trong công an nhân dân hút thuốc lá đã giảm đáng kể từ 24,7% xuống còn 20%. Đặc biệt, số cán bộ chiến sĩ trẻ và những người đang còn hút thuốc lá cũng có ý thức hơn, không hút thuốc lá nơi đông người, trong phòng họp. Không còn hiện tượng tụ tập trong phòng làm việc để hút thuốc lá và hiện tượng vứt tàn thuốc lá bừa bãi cũng đã hạn chế đi rất nhiều.

Trước đó, năm 2016, Bộ Công an xây dựng thành công 3 mô hình điểm cơ quan, trường học, doanh trại không khói thuốc đại diện cho khối Công an tỉnh, TP là: Công an tỉnh Phú Thọ, Đại diện khối trường là T 45 và đại diện khối doanh trại là Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1-K20.

Năm 2017, duy trì mô hình điểm và tiếp tục nhân rộng ở một số công an các đơn vị địa phương khác trong cả nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…

Trung tướng Phạm Quang Cử cũng đề nghị, Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018, ngoài việc tiếp tục duy trì mô hình điểm cơ quan, Bệnh viện, bệnh xá, trường học, doanh trại không khói thuốc lá, trong thời gian tới nhân rộng thêm nhiều đơn vị có môi trường không khói thuốc lá góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong của các bệnh liên quan đến thuốc lá, cần phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64) xây dựng mô hình điểm về xử phạt vi phạm hành chính tại một số phường ở Hà Nội, Ninh Bình…

Theo GiaDinh