Con suýt điếc vì thói quen lấy ráy tai của bố mẹ

Cha mẹ cần cẩn thận và chú ý khi vệ sinh tai cho con trẻ, đặc biệt đối với trẻ có ráy tai ướt thì càng cần được vệ sinh đúng cách mà nhiều người không biết.

Như nhiều phụ huynh khác, chị Quỳnh Anh (quận 3, TP HCM) có thói quen lấy ráy tai con trai 3 tuổi ngay khi tắm cho con xong. Chuyện sẽ chẳng khiến cả gia đình chị tá hỏa, nếu không có lần phát hiện tai ngoài của Bốp (con trai chị) sưng tấy đỏ, chảy dịch, mủ trắng vàng rỉ ra ngoài lỗ tai.

Dị vật lạ trong tai

Bế thốc con đến khoa Thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, chị Quỳnh Anh phát hoảng khi thấy bác sĩ gắp từ lỗ tai bé tí của con trai một nhúm bông. Hóa ra, thấy chị vẫn hay lấy tăm bông ngoáy tai, Bốp cũng lén mẹ “học theo”, nhưng vì chưa quen tay, bông tai tuột ra, chui tọt vào sâu trong lỗ tai, để lâu ngày khiến tai bé bị viêm nhiễm, gây tấy đỏ, mủ vàng mủ trắng rỉ ra ngoài.
“Nhiều trường hợp bệnh nhi như vậy đã được đưa đến khoa khám trong tình trạng hốt hoảng vì tai đỏ, chảy nước, mủ.

Với các trường hợp dị vật mềm này, nếu viêm lâu không chữa trị sẽ gây viêm tai ngoài, viêm màng nhĩ. Đối với người lớn, không ít người có thói quen nhét cục bông tai để chống tiếng ồn. Tôi cho đó là sự lựa chọn sai lầm, bởi không chỉ không chống được tiếng ồn, nó còn có thể gây tổn thương tai” – BSCK II Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM chia sẻ với PV Báo GĐVN.

Một trường hợp hay gặp khác, BS Bích Thủy cho biết, với những bé bị ráy tai ướt, tắm cho các em thì thấy đùn ra các chất ướt màu vàng, cha mẹ luôn cảm thấy “bẩn bẩn” nên thường xuyên lấy ráy tai cho bé bằng tăm bông dành cho trẻ em.

Điều này theo BS Bích Thủy là hoàn toàn không nên vì cấu trúc tai của con người có lông tai, có độ lệch ra ngoài, hoạt động theo cơ chế tự động đẩy các chất bẩn, ráy tai… ra ngoài. “Do đó, tôi luôn khuyến cáo phụ huynh của trẻ, dù con bị ráy ướt hay khô, cũng chỉ nên lau đến vành tai cho trẻ, không nên lấy bông tai lau, bởi các tác động sẽ làm rụng hết lông tai, cơ chế thải chất bẩn trong ống tai bị mất đi. Điều này sẽ khiến trẻ dễ viêm ống tai ngoài, chưa nói đến chuyện khi phụ huynh đang ngoáy tai cho con, nếu chẳng may có tác động vào tay sẽ khiến bông tai thọc sâu vào màng nhĩ , tổn thương tai. Nếu mạnh quá khiến rách màng nhĩ có thể viêm tai giữa” – BS Thủy nói.

Con suýt điếc vì thói quen lấy ráy tai của bố mẹ

BS Bích Thủy lưu ý, với ráy tai ướt, trừ trường hợp nào không lông tai không đẩy được ráy, cặn bẩn ra ngoài thì người lớn mới phải dùng đồ chuyên dụng để lấy. Tự ngoáy tai để lấy ráy tai ướt còn nguy hiểm ở chỗ, càng ngoáy càng dễ tống ráy ướt vào trong sâu hơn, khiến ráy tai nở ra bít kín ống tai ngoài ngăn cản đường truyền âm thanh đến màng nhĩ vì vậy không nghe được. “Đó là lý do vì sao không ít người đêm hôm trước vẫn nghe bình thường, sáng hôm sau ngủ dậy lại thấy điếc hẳn một/hai bên tai. Khi được can thiệp lại nghe được bình thường” – BS Bích Thủy cho hay.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài, trong đó có khoảng 20-30 bệnh nhân cho biết đi khám bệnh vì tai bị sưng, đau sau ngoáy ráy tai.

Thỉnh thoảng lại có bệnh nhân bị thủng màng nhĩ vì ngoáy lỗ tai sâu quá hoặc đang lấy ráy tai bằng que móc kim loại bị người khác đi qua vô tình đụng phải gây thủng màng nhĩ, rách da ống tai, chảy máu. Có trường hợp chấn thương thủng màng nhĩ gây tổn thương tai trong, khiến bệnh nhân bị giảm hoặc mất thính lực, chóng mặt, ói, ù tai phải nhập viện theo dõi.

Làm gì với trường hợp “bỗng dưng bị điếc”?

Theo BS Thủy, những trường hợp bị điếc “bỗng dưng bị điếc” thường rơi vào 2 dạng: Một là bệnh thông thường như đã nói ở trên; Hai là thuộc bệnh cấp cứu của chuyên khoa tai mũi họng, tức là bị “điếc đột ngột”.

Về chuyên môn, điếc đột ngột được định nghĩa là giảm nghe lớn hơn 30dB ít nhất ở 3 tần số liền kề trong vòng 72 giờ hoặc ít hơn. Nó thường xảy ra nhiều nhất ở nhóm tuổi 30 – 60. Điếc đột ngột thường bị một bên (chỉ ảnh hưởng một bên tai) và thường kèm theo ù tai; chóng mặt (khoảng 20-60% bệnh nhân mắc), hoặc cả hai triệu chứng này. Điếc đột ngột có thể bị tạm thời hoặc vĩnh viễn. Khoảng 1/3 người bị điếc đột ngột khi thức dậy vào buổi sáng. 

Con suýt điếc vì thói quen lấy ráy tai của bố mẹ

Cha mẹ không nên lấy ráy tai trong tai mà chỉ nên vệ sinh bên ngoài tai cho trẻ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của tình trạng này được BS Bích Thủy cho rằng, có thể do bệnh nhân mắc ác bệnh nhiễm virút như: viêm tiền đình, viêm thần kinh thính giác, viêm não, màng não, quai bị, rubella, thủy đậu, HIV. Hoặc bị các bệnh nhiễm trùng như: viêm tai, viêm màng não, viêm tiền đình, giang mai giai đoạn 3.

Các chấn thương đầu, tai, bệnh mạch máu như: thiếu máu, co thắt mạch máu, xơ cứng mạch máu, thuyên tắc mạch máu do máu cục, xuất huyết tai trong… cũng có thể khiến bệnh nhân bị điếc đột ngột… Ngoài ra, có thể do các bệnh ung thư, bệnh thần kinh, các bệnh tự miễn hay bị ngộ độc do bị rắn độc cắn, các loại thuốc gây ngộ độc tai…

Các nguyên nhân này làm giảm hoặc ngăn máu và không khí đến tai trong, vì vậy các tế bào thần kinh thính giác có rất nhiều ở tai trong bị thương tổn. Ở trẻ nhỏ, mạch máu rất nhỏ vì vậy khi động mạch tai trong của trẻ bị co thắt rất dễ dẫn đến tình trạng thần kinh tai trong không được nuôi dưỡng gây điếc.

“Thời gian vàng” để điều trị điếc đột ngột lý tưởng là từ 24 - 48 tiếng nhưng những trường hợp sau 14 ngày điều trị vẫn cho một số kết quả. BS Thủy cho biết bệnh có tỉ lệ tự hồi phục tương đối cao. 

Theo An Anh (GDVN)