Đường tác động vào não như ma túy

Theo nghiên cứu này thì nghiện ăn đường “phải bị coi là hình thức lạm dụng ma túy”.

Independent đưa tin một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Queensland (QUT) tại Úc cho thấy: Lượng đường tiêu thụ quá mức làm tăng nồng độ dopamine tương tự như một số ma túy khác, điển hình là cocaine. 

(Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh trong các vùng não điều chỉnh hành động, cảm xúc, nhận thức, động cơ và cảm giác vui thích. Cocaine gây ra sự phóng thích bất thường một số lượng lớn chất này đưa đến nhiều hành vi tự nhiên, từ đó dẫn đến tìm kiếm tác dụng khoái cảm ở người lạm dụng các chất gây nghiện và “dạy hay thúc đẩy” cho họ hành vi sử dụng lại (để được tự thưởng trở lại).            

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiêu thụ đường trong thời gian dài sẽ làm giảm nồng độ dopamine. Điều đó có nghĩa, người ta lại có nhu cầu cần lượng đường cao hơn và cao hơn nữa để đạt mức tưởng thưởng cũng như tránh tình trạng (nhẹ) của bệnh trầm cảm.

Đường tác động vào não như ma túy

Lượng đường tiêu thụ quá mức làm tăng nồng độ - kiểm soát các trung tâm tưởng thưởng và niềm vui của não - tương tự như nhiều chất kích thích khác bao gồm thuốc lá, cocaine và morphine - Ảnh: vinceandassociates

Bên cạnh đó, qua một nghiên cứu riêng biệt khác, các nhà khoa học phát hiện ra việc dùng đường nhiều năm có thể gây rối loạn ăn uống và thay đổi hành vi cá nhân.

Các nhà khoa học tham gia dự án kiến nghị rằng người nghiện đường nên được đối xử theo cách chúng ta vẫn đối xử với các hình thức lạm dụng ma túy khác. 

Giáo sư Selena Bartlett - một nhà thần kinh học của Viện Phát kiến Y sinh học và Sức khỏe của Đại học công nghệ Queensland (QUT) - cho biết các loại thuốc dùng để điều trị nghiện nicotine có thể được sử dụng để điều trị chứng nghiện đường.

Ông phát biểu: “Dùng đường quá mức đã được chứng minh là góp phần trực tiếp vào việc tăng cân. Cũng đã nhiều lần người ta chứng minh đường nâng mức dopamine - kiểm soát các trung tâm tưởng thưởng và niềm vui của não - tương tự như lạm dụng chất kích thích khác bao gồm thuốc lá, cocaine và morphine. 

Chúng tôi cũng đã thấy các con vật duy trì lượng tiêu thụ đường ở mức cao và chè chén say sưa ở tuổi trưởng thành có thể phải đối mặt với hậu quả về thần kinh và tâm thần, ảnh hưởng đến tâm trạng và động lực”. 

Đường tác động vào não như ma túy

Các loại thuốc cai nghiện chất kích thích đều có tác động theo cách tương tự ở người nghiện đường - Ảnh: philmaffetone

Giáo sư Bartlett nói thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện thuốc được chấp nhận bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) như varenicline - một dạng thuốc theo toa giúp người hút thuốc từ bỏ nghiện nicotine - có thể tác động theo cách tương tự đối với những trường hợp thèm đường”. 

Nhà khoa học còn khẳng định: Giống như nhiều kiểu lạm dụng ma túy khác, thoát khỏi việc tiêu thụ đường dẫn đến mất cân bằng nồng độ dopamine và khó như cai nghiện ma túy "phát một" - cold turkey (thành ngữ chỉ việc bỏ các thói quen liên quan đến các chất gây nghiện một cách dứt khoát và tuyệt nhiên không bao giờ sử dụng lại nữa).

Những phát hiện này đi ngược lại với kết luận nghiên cứu trước kia của Đại học Edinburgh. Trong đó nêu ra đường không phải là sự phụ thuộc sinh hóa mà là sự phụ thuộc tâm lý, tương tự như nghiện cờ bạc. Bài viết khoa học trên Neuroscience and Biobehavioral Reviews năm 2014 cho biết các nhà khoa học khi ấy cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy con người nghiện các chất trong thực phẩm. 

Tiến sĩ John Menzies - nhà nghiên cứu tại trung tâm của Đại học Edinburgh về sinh lý tích hợp - nói với BBC: “Người ta cố gắng tìm lời giải thích hợp lý cho sự thừa cân và rất dễ đổ tội cho đồ ăn. Nhưng nhiều con đường nghiên cứu sẽ rộng mở ra hơn nếu chúng ta nghĩ đến tình trạng này như một chứng nghiện hành vi hơn là nghiện chất như trên”. 

Tuy nhiên, đến năm 2015, tiến sĩ James DiNicolantonio xem xét lại sự nguy hiểm của đường và phát biểu trên Here & Now: “Hãy nhìn vào các nghiên cứu động vật so sánh đường với cocaine. Cho dù khi bạn đã để bọn chuột tiếp xúc với cocaine thì khi để đường bên cạnh, gần như tất cả chúng đều chuyển sang thích đường”. 

Theo Tạ Ban (Independent/KP)