Đã đến lúc EU cần 'ly hôn' với Mỹ

Mỹ đang ngày càng để Liên minh châu Âu (EU) vuột ra khỏi tay mình còn EU thì ra sức khẳng định sự độc lập và tự chủ chứ không lệ thuộc vào Mỹ như trước. Có lẽ đã đến lúc EU cần ly hôn với Mỹ.

EU nên ly hôn Mỹ

Đã đến lúc

Có lẽ các nhà nghiên cứu chính trị và tình hình thế giới trong tương lai sẽ còn nhắc nhiều đến năm 2014-2015 trong bức tranh địa chính trị toàn cầu, khi đây là thời điểm đánh dấu một trong những bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử địa chính trị thế giới trong thế kỷ 21: Đó là sự phân rã trong mối quan hệ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới giữa Mỹ và EU. 

Giấc mơ về một EU thống nhất đủ mạnh để đứng ngang hàng với Mỹ của những người sáng lập nên liên minh châu Âu đang dần trở thành hiện thực hơn bao giờ hết. Đã đến lúc EU cần ly hôn với Mỹ.

Tất cả những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới đều biết rằng, mục đích cao nhất của những người đưa ra ý tưởng thành lập liên minh châu Âu như Jean Monnet không phải chỉ đơn thuần là tạo nên một liên minh kinh tế giữa các nước châu Âu, mà đó là tạo nên một thế lực đủ sức đứng ngang hàng với những siêu cường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga hay Trung Quốc. 

Xét riêng lẻ từng nước thì châu Âu không có một quốc gia nào có đủ tiềm lực về lãnh thổ, dân số và sức mạnh tổng hợp có thể sáng được với Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng nếu xét về tiềm lực tổng hợp, thì không một châu lục nào trên thế giới có thể sánh bằng châu Âu. 

Trong 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, châu Âu đã chiếm tới 4 ghế và trình độ phát triển mặt bằng chung ở châu Âu cao hơn Mỹ hay Trung Quốc và Nga khá nhiều. Chính vì thế, không nghi ngờ gì về việc một khi EU có thể hợp nhất hầu hết các quốc gia ở châu Âu, nó sẽ trở thành một siêu cường hùng mạnh nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ hay Trung Quốc.

Nhận thức được điều này, dù không nói ra nhưng tất cả đều hiểu rằng Mỹ vẫn tìm cách ngăn cản một kịch bản châu Âu hợp nhất trở thành hiện thực. 

Dù không can thiệp vào nền kinh tế khu vực đồng tiền chung của EU, nhưng Mỹ vẫn là người chi phối EU về đường hướng ngoại giao và quân sự quốc phòng. 

EU ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga và thậm chí Pháp còn ra lệnh cấm giao cho Nga chiến hạm được Moscow đặt hàng chính là xuất phát từ những yêu cầu của Mỹ. 

Cốt lõi trong chiến lược đối phó với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Mỹ là áp lực tổng hợp từ kinh tế cho tới chính trị và quân sự, trong đó EU là người thực hiện các lệnh trừng phạt về kinh tế. 

Nhưng có lẽ Washington sẽ còn nhớ rất lâu nữa đối với sự kiện này, khi nó chính thức trở thành giọt nước tràn ly gây ra sự đổ vỡ mối quan hệ giữa Mỹ và EU, trong đó Mỹ là người chi phối. 

Mỹ là Mỹ mà EU là EU

Ai cũng thấy Nhà Trắng giận dữ như thế nào khi EU, mà đứng đầu là Đức và Pháp, quyết định chọn giải pháp đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột, khi mà hầu hết các nước thành viên EU nhận thấy họ đã gánh chịu đủ những thiệt hại từ các lệnh trừng phạt kinh tế Nga do Mỹ đề xuất và chấp thuận giải pháp đàm phán mà Đức là nước đề xuất.

Kể từ sau hội nghị Minsk bàn về giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine vốn được xem là đỉnh điểm cho sự chia rẽ Mỹ - EU, thì những rạn nứt giữa hai bên ngày càng tăng lên, kèm theo tần suất va chạm ngày càng nhiều. 

Lần lượt Đức, Pháp tuyên bố cắt giảm chi phí quốc phòng, trong khi Mỹ ra sức kêu gọi các nước thành viên NATO tăng cường sức mạnh quân sự để đề phòng mối đe dọa theo Mỹ là từ Nga. 

Câu chuyện cắt giảm ngân sách quốc phòng chưa lắng thì đến lượt chủ tịch ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố trước báo giới rằng EU cần một quân đội chung. Ông này thậm chí còn tỏ ý chê bai sự thiếu hiệu quả của NATO khiến Mỹ "tím mày tím mặt", vì một quân đội chung của toàn EU đồng nghĩa với việc NATO cần tính đến chuyện giải thể là vừa.

Câu chuyện mới nhất cho thấy EU đang tìm cách thoát ly mạnh mẽ nhất khỏi ảnh hưởng của Mỹ là việc bắt đầu tính đến ngưng xuất khẩu vũ khí quân sự cho Arab Saudi vì những bất đồng về chế độ và nhân quyền, bất chấp việc Saudi là một đồng minh lâu năm của Mỹ, đang cần vũ khí chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. 

Thụy Điển là nước đầu tiên tuyên bố hủy bỏ hợp đồng hợp tác quân sự với Arab Saudi có trị giá hơn nửa tỉ USD. Đức cũng đã chấm dứt hợp đồng bán vũ khí cho Saudi có trị giá hàng trăm triệu USD. 

Động thái của Thụy Điển và Đức, có thể kéo theo cả Anh trong thời gian sắp tới, tuyên bố hủy các hợp đồng quân sự với Arab Saudi được xem là động thái mạnh mẽ nhất trong việc thoát ly khỏi ảnh hưởng của Mỹ. 

Arab Saudi là đồng minh nhiều năm của Mỹ và đang cùng Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo IS, và Mỹ đang cần sự ủng hộ từ phía EU trong cuộc chiến này hơn bao giờ hết, vì thế việc EU tuyên bố cắt hợp đồng mua vũ khí của Saudi ngay trong giai đoạn chiến sự căng thẳng không khác gì một đòn nặng giáng vào Mỹ. 

Điều này đang gây ra khó khăn không nhỏ cho Saudi trong cuộc chiến chống IS khi mà phần lớn thiết bị quân sự được quân đội nước này sử dụng trong những năm qua là đến từ châu Âu, điển hình là xe tăng Leopard của Đức. 

Dù Mỹ có đủ khả năng thay thế EU trong việc cung cấp vũ khí cho Saudi thì sự khác biệt về chủng loại vũ khí của Mỹ và EU cũng không phải việc dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.

Điều trớ trêu là, Mỹ chính là nước thường xuyên chỉ trích EU là nhu nhược và thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại, điển hình theo Mỹ là trong việc giải quyết vụ xung đột với Nga. 

Và giờ đây EU đang cho thấy sự phản bác của mình đối với nhận xét đó của Mỹ, chỉ khác là đối tượng mà EU thể hiện sự cứng rắn ấy lại là một đồng minh của Mỹ. Nó đang cho thấy EU, với sự lãnh đạo của Đức và Pháp, đang ngày càng tự chủ hơn trong việc giải quyết các vấn đề riêng mà không cần sự chi phối của Mỹ. 

Để đạt được lợi ích lớn nhất, EU không ngần ngại đàm phán với đối thủ là Nga trong khi nó sẵn sàng tỏ thái độ cứng rắn với một đồng minh lâu năm của đồng minh lớn nhất của mình là Mỹ. 

Với EU giờ đây, Mỹ đã không còn là bức tường không thể vượt qua trong việc quyết định các vấn đề của riêng mình. Vì Mỹ là Mỹ, mà EU là EU.

Theo Một thế giới