Giá rau xanh rục rịch tăng sau ngập lụt

Tại nhiều chợ ở Hà Nội, giá một số loại thực phẩm và rau xanh rục rịch leo thang sau trận mưa lớn đêm 24/5 sáng 25/5.

Theo khảo sát của Zing.vn tại một số chợ ở khu vực Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, giá hầu hết các loại thực phẩm vẫn khá ổn định, chỉ tăng nhẹ so với những ngày trước. Tuy nhiên, rau xanh tăng mạnh từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg.

Giá rau xanh rục rịch tăng sau ngập lụt
Theo chủ cửa hàng rau ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), giá rau xanh mới chỉ tăng nhẹ trong ngày 25/5. Ảnh: Kiều Vui.

Bà Nguyễn Thị Tý, bán rau ở chợ tạm 72 ha phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bắp cải có giá 15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với ngày thường, cà chua 12.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng. Các loại củ, quả như su su, cà rốt, khoai tây tăng nhẹ 2.000 đồng/kg. Rau muống bình thường có giá từ 4.000 đến 5.000 đồng/mớ nay tăng lên 6.000 – 7.000 đồng/mớ, rau mồng tơi cũng đội giá thêm 1.000 đồng/mớ lên 5.000 đồng.

Các loại rau thơm như thì là, tía tô, hành cũng tăng giá nhẹ trong khi các loại quả như mướp, bầu nước, bí đỏ giá không đổi.

Chị Bùi Thị Lan, bán hoa quả cho hay các loại quả dễ bị dập khi di chuyển như dưa bở tăng giá nhẹ. Ngày thường chỉ 10.000 đồng/kg, hôm nay tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/kg (tùy loại).

Nếu như rau xanh bất ngờ đội giá thì giá của các loại thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản… vẫn khá ổn định hoặc tăng không đáng kể.

Tại chợ Phùng Khoang (Hà Đông), tôm nhỏ có giá 150.000 đồng/kg, tôm to 230.000 đồng/kg, tăng 20.000 – 30.000 đồng so với ngày thường. Cá rô phi vẫn giữ ở mức 55.000 – 65.000 đồng/kg tùy kích cỡ.

Giá rau xanh rục rịch tăng sau ngập lụt
Giá rau xanh được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong vài ngày tới (Ảnh: Kiều Vui)

Chị Lâm, chuyên buôn rau xanh ở chợ tạm 72 ha phường Vĩnh Phúc lý giải giá thực phẩm chưa tăng đột biến sau mưa lớn là do lượng hàng hiện tại vẫn “ăn theo” giá của ngày hôm qua (24/5). “Từ ngày mai, đặc biệt trong vòng nửa tháng tới, nếu mưa liên tục, giá rau xanh sẽ có nguy cơ tăng mạnh do nhiều nơi không bị thu hoạch, rau chết vì ngập úng”, chị Lâm nói.

Đi chợ thuê, sửa xe hốt bạc

Mưa lớn, đường ngập lụt lại là cơ hội để nhiều người “hốt bạc”. Dịch vụ đi chợ thuê, mang hàng tận nơi lên ngôi. Giá mỗi lần đi chợ thuê khoảng 10.000 – 50.000 đồng trong khi các loại thực phẩm đã chín cũng đội giá từ 10.000 – 20.000 đồng.

Giá rau xanh rục rịch tăng sau ngập lụt

Dịch vụ sửa xe hốt bạc ngày mưa lũ. Ảnh: Kiều Vui.

Dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông bị hư hỏng do ngập lụt cũng được dịp ăn theo. Giá rửa xe ô tô là 150.000 đồng/xe; xe máy 40.000 đồng/xe, tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Dịch vụ cứu xe máy "sặc nước" cũng được dịp lên ngôi với phí 30.000 đồng mỗi chiếc.

Anh Tuấn Anh – một thợ sửa xe máy ở phường Vạn Phúc (Ba Đình) cho hay, ngày thường giá mỗi lần thay buzi là 50.000 đồng, nhưng hôm nay do đông khách quá, làm không xuể nên giá tăng nhẹ lên 60.000 đồng/lần thay. “Thay lọc gió thì 100.000 đồng/lần, tùy từng loại xe. Nói chung chúng tôi không tăng giá nhiều so với ngày thường. Khách nào cần vội thì anh em lấy thêm xíu”, anh Tuấn Anh nói thêm.

Theo số liệu Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 này ở Hà Nội tăng nhẹ so với tháng trước. Giá xăng dầu tăng dẫn đến chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh. Đối với lương thực, ảnh hưởng của hiện tượng Elnino khiến nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lúa gạo lên cao trong mấy tháng gần đây.

Thực phẩm tăng chủ yếu là do giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao vì các thương lái tập trung thu mua lợn để xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Một số loại thủy hải sản như cá, mực, cua, ghẹ… đều khá ổn định. Riêng tôm lại tăng giá do vùng tôm ở miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, vụ cũ đã thu hoạch gần hết, vụ mới hiện đang xuống con giống và trong thời kỳ nuôi thả nên nguồn cung khan hiếm.

Tính chung, CPI tháng 5 đã tăng 1,38% so với tháng 12/2015 và tăng 2,28% so với cùng kỳ. Qua 5 tháng, CPI tăng 1,59% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI loại trừ lương thực - thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục của tháng 5 tăng 0,25% so với tháng 4; tăng 1,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 1,78% so với cùng kỳ.

Theo Kiều Vui (Zing)